Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tranh kính là loại hình nghệ thuật dân gian được người dân Nam Bộ ưa chuộng. Nếu các địa phương như Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh), Chợ Mới (tỉnh An Giang), phát triển nghề vẽ tranh kính theo phong cách của người Hoa, thì tranh kính của tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, lại mang bản sắc văn hóa của người Khmer.
Tranh kính. Ảnh: Ngọc Anh |
Nói đến nghề vẽ tranh trên kính thì phải nhắc đến ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng vì nơi đây đã nổi tiếng gần xa. Nghề vẽ tranh trên kính ở xã Phú Tân ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ.
Những tác phẩm được vẽ trên kính của dân tộc Khmer thường kể về cuộc đời Đức Phật, phong cảnh làng quê, danh lam thắng cảnh hay chùa chiền. Tranh kính được các gia đình mua về để thờ tự hoặc trang trí trong nhà.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, cho biết: "Tranh trên kính là những tác phẩm rất đẹp. Ngoài vẽ phong cảnh còn vẽ nên những câu chuyện thiết thực, những câu truyện truyền thống, truyền thuyết trước đây, mang tính giáo dục. Bà con Khmer theo tín ngưỡng Phật giáo nên các sản phẩm tranh kính vẽ Phật, chùa, hướng thiện. Nghề vẽ tranh trên kính là một nghề truyền thống lâu năm của bà con dân tộc Khmer. Trước đây, mỗi nhà dân đều mong muốn có một bức tranh trang trí để nhà của mình thêm khang trang. Xuất phát từ nhu cầu đó nên đã hình thành nghề vẽ tranh trên kính để phục vụ bà con."
Trước đây, ở xã Phú Tân, gia đình nào cũng biết vẽ tranh trên kính. Đến đây, người ta thấy tranh kính được bà con phơi đầy trước cửa nhà. Cả xã có hơn 100 hộ dân làm nghề vẽ tranh kính, tranh được bán ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, do sự phát triển của công nghệ, sự cạnh tranh của nhiều loại tranh khác nên giờ đây, xã Phú Tân chỉ còn lại một người duy nhất theo nghề này là bà Triệu Thị Vui ở ấp Phước Thuận. Bà là thợ vẽ tranh kính có tiếng ở địa phương nên tranh của bà được nhiều khách hàng ưa chuộng và đến đặt mua. Nghề này không cho thu nhập cao, nhưng vì đam mê và muốn lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc Khmer nên bà Vui duy trì và gắn bó với nghề: "Tôi rất thích nghề, nguyện vọng muốn duy trì nghề truyền thống này để truyền lại cho những người trẻ trong ấp, duy trì mãi sự tích vẽ Đức Phật. Tôi mở lớp dậy học vẽ có 12 em, trong đó có 4 em biết vẽ tốt còn những em khác vẽ không đẹp lắm."
Để hoàn thành một bức tranh trên kính phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người vẽ khéo léo, có cặp mắt thẩm mỹ trong phối màu, nét bút thật sắc sảo. Tranh được vẽ trên tấm thủy tinh trong suốt, kích thước bức tranh không giới hạn, màu sắc thì phong phú.
Điểm khó vẽ nhất là mắt và miệng đức Phật, đôi mắt vẽ phải có hồn và miệng thì như đang cười. Khi bắt đầu vẽ thì người thợ đặt tấm kính trên tờ giấy mẫu vẽ ngược, rồi dùng bút lông chấm mực vẽ đồ theo tờ giấy mẫu ấy, từ chuyên môn được gọi là “tách”. Sau khi tách xong, người thợ chấm sơn tô màu theo quy định vào những ô đã tách và “tán” tức pha ô màu từ đậm tới lợt. Tô màu theo trình tự nhất định: vật thể tiền cảnh trước, hậu cảnh sau. Cuối cùng là màu phông. Sau khi tranh đã khô thì mới cẩn ốc xà cừ, dán vàng quỳ, tô nhũ kim, hay dán giấy trang kim vào phía sau bức tranh để tăng thêm phần rực rỡ. Sau cùng, họ phủ thêm lớp sơn để bảo vệ rồi mới đặt vào khuôn gỗ đóng hậu, hoàn thành sản phẩm.
Bà Triệu Thị Vui đang vẽ tranh trên kính. Ảnh: Ngọc Anh |
Bà Triệu Thị Vui cho biết: "Quy trình làm ra một bức tranh kính đó là mình phải chuẩn bị kính, nước sơn, cọ, chuẩn bị mẫu vẽ. Vẽ ngược, vẽ mặt sau, treo tranh mặt trước. Trước đây, dân làng từ già tới trẻ nhỏ vẽ tranh thành ra duy trì làng nghề này truyền thống, học từ ông bà để lại nghề. Nghề vẽ tranh kính ấp Phước Thuận, xã Phú Tân chuyên vẽ tranh về Đức Phật. Tại vì đồng bào dân tộc Khmer tôn sùng, kính trọng Đức Phật, nhà nào cũng phải có hình Đức Phật treo trên bàn thờ. Đức Phật vẽ theo mẫu truyền thống, có mẫu sẵn rồi mình cứ can lên, vẽ, tô lại."
Để gìn giữ, phát triển nghề tranh kính, chính quyền địa phương hỗ trợ cho bà con học nghề và truyền nghề; đồng thời quảng bá, giới thiệu sản phẩm tranh kính ở các hội chợ, triển lãm. Anh Phạm Văn Tuyển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Tân, cho biết: "Địa phương đã xin ý kiến, chủ trương của huyện để hỗ trợ cho cô Vui duy trì nghề vẽ tranh kính. Xã hỗ trợ cô Vui xây dựng một phòng học để dạy nghề, truyền nghề cho giới trẻ kế tiếp nghề. Xã mở được 1 lớp đào tạo học nghề. Nghề tranh kính nhà cô Vui do ông bà, cha mẹ để lại nghề, cô Vui là người kế tiếp nghề. Ở tỉnh Sóc Trăng chỉ còn cô Vui làm nghề thôi."
Dù đã duy trì lâu năm, nhưng nghề vẽ tranh trên kính vẫn làm thủ công, không có công đoạn nào dùng máy móc thay thế. Tranh kính ở xã Phú Tân rất bền, khi bức tranh hoàn thành thì màu sơn bám chặt vào kính, khó mà bong tróc hay phai màu. Với người dân Khmer ở xã Phú Tân, vẽ tranh trên kính không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng.