Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ - Nơi đào tạo đội ngũ sư sãi các tỉnh Nam Bộ

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Sau khi học xong ở trường, một số vị sư có thể tiếp tục tu học tại các Học viện Phật học ở trong và ngoài nước.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ được thành lập từ năm 1994 ở tỉnh Sóc Trăng. Đây là nơi đào tạo đội ngũ sư sãi người Khmer của các tỉnh khu vực Nam Bộ.
Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ được nâng cấp, mở rộng trên cơ sở trường cũ trong khuôn viên chùa Kh’Leang, đường Tôn Đức Thắng, thành phố Sóc Trăng. Trường rộng gần 10.000m2, gồm: khu hiệu bộ, nhà học - thí nghiệm, ký túc xá, nhà ăn, thư viện... Hiện, Trường có 7 lớp học, từ lớp 6 đến lớp 12, mỗi cấp có 1 lớp. Cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường có 45 người, trong đó giáo viên giảng dạy là 21 người.
Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ - Nơi đào tạo đội ngũ sư sãi các tỉnh Nam Bộ - ảnh 1Một lớp học ở Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Ảnh: Ngọc Anh

Trường thực hiện giảng dạy theo 3 chương trình: chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học phổ thông; chương trình ngữ pháp Pali; chương trình Ngữ văn Khmer trung học và tiếng Khmer. Thầy giáo Lâm Nhưm, Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, cho biết:

"Các vị sư học ở đây từ Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông, cấp học từ lớp 6 đến lớp 12. Thời gian đào tạo của trường là 5 năm. Chúng tôi thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông và sử dụng sách giáo khoa hệ giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình tiếng Khmer, tiếng Pali cũng là chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường cũng có nhiệm vụ thực hiện Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2019 - 2023, được 4 khóa học rồi, học viên trên dưới 1000 cán bộ, viên chức của tỉnh. Ngoài ra, Trường phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Sóc Trăng dậy tiếng Khmer qua sóng truyền hình.

Năm học 2022 - 2023 vừa qua, Trường có tổng số 192 học viên. Kết quả, cuối năm học có 21 học viên đạt danh hiệu học viên giỏi, 69 học viên đạt danh hiệu học viên tiên tiến.

Sư Danh Tiên, học viên đến từ tỉnh Kiên Giang, cho biết: "Học ở đây giống như chương trình phổ thông và thêm các môn tiếng Khmer và tiếng Pali rồi cả tiếng Anh nữa. Sư ở nội trú trong trường, được trường giúp đỡ, tạo điều kiện học tập tốt, cung cấp trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt đầy đủ, hỗ trợ tiền ăn, có nhà ăn riêng cho các sư. Sư đang học lớp 12. Thầy cô giáo hướng nghiệp cho sư đi học tiếp tục và sư cũng quyết định khi học xong ở đây sẽ học tiếp để có tương lai tốt."

Điều đặc biệt ở Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ là song song với giảng dạy, trường thực hiện nhiệm vụ chính trị, nâng cao trình độ nhận thức, quán triệt chủ trương đường lối, chính sách của Nhà nước cho học viên. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên nhà trường không ngừng nỗ lực, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà ngành giáo dục đào tạo đề ra.

Cô giáo Lê Trang Xuân Mộng, giáo viên dạy môn tiếng Anh, chủ nhiệm lớp 12, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, cho biết: "Học viên có nhiều độ tuổi, một số vị sử dụng tiếng Việt còn hạn chế, nên cách giảng dạy gặp khó khăn. Để khắc phục, đối với môn văn, cô giáo tổ chức dạy phụ đạo, cho tăng sinh đọc báo chí, có thêm các bài tập rèn luyện cách viết chữ. Còn với môn toán thầy cô sử mạng zalo, facebook để dạy thêm ngoài giờ lên lớp."

Ngoài những môn học như học sinh phổ thông học, các môn công nghệ, thể dục, nhạc, học sinh không học mà thay vào đó là học các môn như ngữ văn Khmer và tiếng Bali. Ông Danh Mến, Phó trưởng phòng giáo dục, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, cho biết: "Chương trình học của các sư có tính đặc thù so với các trường phổ thông. Trong chương trình tổng thể của nhà trường được chia ra làm 2 phần, 75% dành cho chương trình phổ thông và 25% dành cho tiếng Pali và tiếng Khmer. Khi học xong lớp 12, các sư tham gia thi với các em ở các trường phổ thông. Học ở đây so với các trường khác thì ngoài bằng tốt nghiệp lớp 9, lớp 12, các sư có thêm giấy chứng nhận lớp 12 Khmer."

Từ khi thành lập đến nay, Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ đã đào tạo được hơn 1.200 tăng sinh. Sau khi học xong ở trường, một số vị sư có thể tiếp tục tu học tại các Học viện Phật học ở trong và ngoài nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu