Nghe âm thanh bài tại đây:
Ngày 19/10 vừa qua, làng du lịch Tân Hóa (thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã giành giải thưởng Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023 (Best Tourism Village) do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng.
Danh hiệu này là kết quả từ sự nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, cũng như các đơn vị du lịch trong quá trình đưa Tân Hóa, từ một vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Bình, trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam.
Tân Hóa được xem là vùng rốn lũ. Ảnh: baochinhphu.vn |
Tân Hoá là một xã miền núi vùng sâu của huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình. Xã nằm ở giữa các dãy núi đá vôi, có nhiều hệ thống hang động được kiến tạo qua hàng triệu năm, như: Hang con Chuột, hang Dơi, hang Tụng, hang Tú Làn… Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, cho biết: "Trong không gian này có rất nhiều điều đặc sắc. Xung quanh nơi đây được bao bọc bởi các ngọn núi với đỉnh nhọn, bên trên đấy là rừng nguyên sinh. Bên dưới là một khu vực bằng phẳng được người dân lựa chọn làm nơi ở lâu dài. Những người dân đã sống tại đây từ khoảng 300 năm trước. Có những ngôi nhà gỗ ở đây có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Xung quanh đó là những ngôi nhà nổi mới làm gần đây."
Do vị trí địa lý và cấu tạo đặc thù của địa hình, Tân Hóa quanh năm khí hậu nóng, ẩm ướt, mưa nhiều vào mùa hè và rét đậm vào mùa đông. Chính sự đa dạng về thời tiết đã tạo thuận lợi lớn để những người làm nông nghiệp phát triển các loại cây trồng. Song, hằng năm, xã Tân Hóa thường xảy ra lũ lụt, thời gian từ tháng 6- 9 (âm lịch). Trận lũ lịch sử năm 2010 với mức nước dâng cao 12m đã nhấn chìm hầu hết các ngôi nhà, người dân phải sơ tán lên núi chờ nước rút, từ đó Tân Hóa được mệnh danh là "vùng rốn lũ". Sau trận lũ đó, người dân Tân Hóa đã có sáng kiến làm bè phao để sống chung với lũ. Sang năm 2012, họ cải tiến thành mô hình nhà nổi, giúp người dân có thể sinh hoạt bình thường trong lũ.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxallis, đơn vị khai thác du lịch tại làng Tân Hóa, cho biết: "Ở Tân Hóa đã có khoảng 700 hộ dân xây dựng được nhà nổi và đã sống chung được với lũ. Có nghĩa là lũ lên bao nhiêu thì họ vẫn an toàn và họ sống một cách thoải mái và không thiếu thốn gì bởi họ có lương thực, thực phẩm dự trữ. Ngoài ra, họ còn có những chiếc đò để di chuyển giữa những căn nhà nổi và những nơi khác."
Trước đây, người dân Tân Hóa chủ yếu làm nông, nương rẫy, chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, cuộc sống người dân người đây đã có nhiều đổi thay kể từ năm 2011, khi tỉnh Quảng Bình bắt đầu cấp phép khảo sát và thử nghiệm các tour du lịch khám phá. Đến năm 2014, hang động Tú Làn được chính thức đưa vào khai thác du lịch.
Tỉnh đã phối hợp với các đơn vị du lịch xây dựng chiến lược phát triển từng bước vững chắc cho Tân Hoá. Theo đó, người dân địa phương cùng tham gia vào làm du lịch tại các công ty khai thác dịch vụ; từng bước đưa người dân làm chủ các dịch vụ mà họ cung cấp cho khách du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn, sản phẩm tour lái mô tô địa hình khám phá rừng Lim và các sản phẩm khác nhằm từng bước đa dạng hoá các dịch vụ dành cho khách du lịch…
Một homestay thích ứng thời tiết tại Tân Hóa. Ảnh: baochinhphu.vn |
Đến thời điểm hiện tại, việc phát triển mô hình du lịch tại Tân Hóa đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 lao động địa phương. Người dân được tập huấn và đào tạo để làm các công tác hậu cần, phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn. Anh Cao Văn Thanh, người dân xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, cho biết: "Trước đây, tôi làm nông và vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc tự do. Nhưng sau khi biết ở quê có công ty du lịch mở cửa, tôi đã xin vào làm, đến nay đã được 5 năm. Tôi làm bên vật tư, phục vụ nấu ăn và phục vụ lều trại cho khách."
Với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng cho 14-16 ngày làm việc mỗi tháng, người dân vừa có thể hợp tác với doanh nghiệp để phục vụ khách du lịch vừa có thời gian làm công việc nương rẫy để tăng thêm thu nhập.
Tân Hoá được định hướng phát triển theo mô hình làng du lịch thích ứng với thời tiết, cung cấp các trải nghiệm đa dạng cho du lịch từ homestay, trải nghiệm công việc làm nông, ăn uống tại nhà dân, quầy hàng lưu niệm và các dịch vụ đa dạng khác dành cho khách du lịch. Mới đây, 10 cơ sở lưu trú homestay đã được triển khai thử nghiệm và sẽ đi vào khai thác chính thức vào tháng 11 năm nay. Homestay được xây dựng theo mô hình nhà nổi. Khi có lụt, homestay sẽ nổi lên, tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm cuộc sống bản địa. Dự kiến, mỗi hộ gia đình sẽ bố trí khách nghỉ từ 15-20 đêm mỗi tháng, thu nhập dự kiến từ 9-12 triệu/tháng.
Hệ thống hang động Tú Làn tráng lệ thu hút rất nhiều du khách trong nước cũng như quốc tế. Ảnh: baochinhphu.vn |
Theo ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Làng du lịch Tân Hóa được vinh danh là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới, bước đầu tạo cơ sở để phát triển du lịch tại Tân Hóa: "Đối với Tân Hóa, nếu làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu thì sẽ thu hút du khách, từ đó, mang lợi ích cho người dân. Chúng tôi nỗ lực trong tương lai xây dựng Tân Hóa trở thành điểm sáng về du lịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chú trọng giữ gìn môi trường, bảo vệ thiên nhiên, thích ứng với thiên nhiên, làm sao vừa phát triển nhưng vẫn vừa giữ được vẻ hoang sơ, mộc mạc, yên bình của mảnh đất này."
Từ một vùng quê trước đây phải chật vật với các trận lũ lụt, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, “rốn lũ” Tân Hoá ngày nay đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Đối với Quảng Bình, việc Tân Hóa được vinh danh sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch để trở thành điểm sáng du lịch trong khu vực, làm tiền đề và hỗ trợ cho các điểm du lịch lân cận trong quảng bá và thu hút du khách đến trong tương lai.