Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) có tác động to lớn, toàn diện đến kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, các làng nghề Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Làng nghề Việt Nam tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại thì mới có bước tiến nhanh, vững chắc.
Sản phẩm khảm trai làng Chuôn Ngọ, Hà Nội
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Các làng nghề Việt Nam trước đây phần lớn sản xuất thủ công, chưa trải qua đầy đủ các cuộc cách mạng công nghiệp 2.0, 3.0 nên việc tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, cần có giải pháp đồng bộ, bài bản, đặc biệt áp dụng công nghệ 4.0 từ sản xuất, kinh doanh cho đến tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch phát triển làng nghề.
Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thừa Lộc, Trường đại học kinh tế quốc dân, cho rằng: “Mỗi làng nghề phải định vị khả năng công nghiệp của mình, cụ thể là đang ở giai đoạn 1.0, 2.0 hay 3.0 để có lộ trình phát triển 4.0. Phải có đầu tư tương xứng, đặc biệt là máy móc, thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất. Đầu tư cho nhân lực, nghệ nhân, thợ giỏi là linh hồn của làng nghề. Làng nghề cũng phải tự tái cơ cấu, loại bỏ những sản phẩm truyền thống mà nó không thích hợp hiện nay, cùng với đó là sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu hiện nay. Đa dạng hóa thị trường để không phụ thuộc vào một thị trường nào đó”.
Sản phẩm làng Châu Khê, Hải Dương
|
Các làng nghề Việt Nam thời gian qua đã tích cực nghiên cứu khả năng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tự động hóa để gia tăng mức độ đồng nhất của sản phẩm và rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng xuất lao động, tiết giảm chi phí. Liên doanh, liên kết sản xuất tiêu thụ, chủ động tham gia chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang là hướng đi mới của các làng nghề Việt Nam. Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho biết: “Phải có sự liên kết, kết nối giữa làng nghề, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, tìm ra những mặt mạnh để làng nghề tồn tại, hướng đi phát triển. Ngoài đào tạo phát triển nguồn nhân lực chúng ta phải có quy hoạch các vùng nguyên liệu mở rộng sản xuất, đồng thời đào tạo nghề có trọng điểm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, công tác quảng bá”.
Tác động của công nghệ 4.0 mở ra nhiều kênh tiêu thụ, ngày nay các làng nghề không chỉ bán hàng ở trong cửa hàng mà bán hàng thông qua các kênh thương mại trực tuyến, mạng xã hội, bán hàng qua mạng. Các làng nghề Việt Nam chú trọng xây dựng môi trường thương mại điện tử hiện đại, đẩy mạnh tương tác online trực tuyến với khách hàng để cho khách hàng cùng tham gia vào thiết kế, mẫu mã sản phẩm. Sản phẩm làng nghề hiện nay cũng đòi hỏi khác hẳn so với trước đây.
Sản phẩm làng Định Công, Hà Nội
|
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, cho biết: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là kết nối vạn vật, kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo. Vì thế, các sản phẩm làng nghề hiện nay đứng trước sứ mệnh thay thế rất nhiều sản phẩm làng nghề trước đây. Sản phẩm làng nghề hiện nay không cần sản xuất số lượng lớn đáp ứng nhu cầu phổ thông nữa mà nó phải đặc biệt, mang dấu ấn văn hóa Việt Nam, trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt Nam”.
Làng nghề Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay. Ở Việt Nam hiện nay có hơn 5400 làng nghề với khoảng 50 nhóm nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động. Các sản phẩm làng nghề Việt Nam đã xuất khẩu sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD/năm. Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển làng nghề không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đây cũng là một cách thức để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.