Làng nghề đúc đồng Đại Bái

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Sau hàng thế kỷ thăng trầm với nghề, Đại Bái ngày nay được biết đến như một làng nghề truyền thống phát triển mạnh mẽ, đem lại thay đổi tích cực về kinh tế xã hội cho người dân làng nghề. 

(VOV5) - Làng Đại Bái, xưa còn gọi là làng Văn Lãng hay làng Bưởi, nằm trên dải đất cao bên bờ Bái Giang, nay thuộc xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Làng Đại Bái  từ lâu nổi tiếng với nghề đúc đồng thủ công. Sau hàng thế kỷ thăng trầm với nghề, Đại Bái ngày nay được biết đến như một làng nghề truyền thống phát triển mạnh mẽ, đem lại thay đổi tích cực về kinh tế xã hội cho người dân làng nghề. 

Làng nghề đúc đồng Đại Bái - ảnh 1
Các sản phẩm đúc đồng của làng Đại Bái (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Nghe âm thanh bài viết tại đây:





Những tư liệu di tích ở làng Đại Bái có ghi lại: đầu thế kỷ XI nhờ công của ông Nguyễn Công Truyền sáng tạo ra nghề gò đồng với nhiều mẫu mã mới đẹp và truyền dạy nghề cho dân mà dần trở thành nghề chính của làng. Sau khi ông mất, dân làng đã tôn vinh ông làm tổ nghề. Cách đây khoảng 200 năm, những thợ giỏi của làng nghề đã lên kinh thành Thăng Long lập phường nghề thủ công. Phố Hàng Đồng ở khu phố cổ Hà Nội ngày nay chuyên buôn bán đồ đồng gia dụng, mỹ nghệ, nhiều chủ cửa hàng ở đây có nguồn gốc dân làng Đại Bái. Theo chỉ dẫn của anh Hoàng Văn Tuấn, chủ một cửa hiệu trên phố Hàng Đồng, chúng tôi tìm về quê nghề gốc làng Đại Bái, tỉnh Bắc Ninh. Khác với liên tưởng về một làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ, khung cảnh ở làng nghề như một phố thị. Con đường nhựa rộng phẳng lì dẫn vào làng nghề với những nhà cao tầng đẹp đẽ. Bên cạnh những cửa hàng trưng bày đồ đồng mỹ nghệ là những xưởng nghề luôn vang tiếng máy, tiếng búa đục chạm. 



Làng nghề đúc đồng Đại Bái - ảnh 2
Một tượng phật đồng trong khuôn đúc (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)


 Đi trên đường làng, có lẽ dấu tích xưa của làng quê còn lại là những di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu trong làng. Đó là khu lăng ông tổ nghề Nguyễn Công Truyền, đình Văn Lãng, đình Diên Lộc, chùa Diên Phúc và câu chuyện dân làng kể về lễ giỗ tổ nghề vào ngày 29 tháng 9 âm lịch hàng năm. Ông Nguyễn Xuân Sầm, người cao tuổi trong làng, cho biết: "
Làng Đại Bái khi thành lập làng nghề  có 4 xóm gồm: xóm Sôn, xóm Tây, xóm Giữa và xóm Ngoài. Thời kỳ đầu chỉ làm hàng gia dụng, đến thế hệ thứ 2 của làng nghề có 5 cụ người làng đỗ đạt tiến sỹ ra làm quan trong triều, quan tâm đến nghề của quê hương đã tổ chức thành lập các phường hội làng nghề, đi vào chuyên môn hóa. Kể từ đó 4 xóm làm 4 nghề khác nhau. Xóm ngoài làm nghề gò nồi đồng, xóm Tây làm mâm, chậu, xóm giữa làm cái siêu đun nước và niêu con, xóm Sơn làm âu đựng trầu và các đồ thờ. Đến nay  xóm Sơn vẫn phát triển làm đồ thờ, chạm khảm tam khí, tranh chạm nổi.. Ngày nay dù đã có sự thay đổi, đưa các máy móc, khoa học vào nghề, nhưng 4 thôn vẫn phân nghề theo truyền thống xưa". 


Nhờ có sự phân công lao động như vậy mà Đại Bái qua từng thời kỳ vẫn phát triển, đạt đến chuyên môn hóa chặt chẽ. Những kỹ thuật luyện đồng, sản phẩm ngày càng đa dạng, tinh xảo. Kỹ thuật luyện đồng, pha chế đồng đạt tới độ chuyên sâu, mang bí quyết riêng. Những mẫu mã đồ thờ như: Lư đồng, bát hương, đỉnh đồng, tượng đồng lần lượt được ra đời. Sản phẩm đồ đồng Đại Bái đạt chất lượng mỹ thuật cao, được nhiều lái buôn tìm về để phân phối khắp các vùng trong cả nước. Đời nối đời, các nghệ nhân trong làng truyền nghề cho các thế hệ con cháu tiếp nối nghề tổ. Nghệ nhân làng nghề Nguyễn Văn Lục kể: "
Đất nghề để lại giá trị văn hóa, nên các cháu bây giờ bắt tay vào nghề rất thuận lợi. Thế hệ trẻ nắm bắt nghề nhanh, hiểu sâu văn hóa, tiếp thu những nét chạm khắc từ các thời vua trong lịch sử: Lý- Trần- Lê, lấy được vốn quý của người xưa  đưa vào sản phẩm làng nghề".



Làng nghề đúc đồng Đại Bái - ảnh 3
Công đoạn chôn hoạ tiết, hoa văn lên bề mặt sản phẩm đòi hỏi sự khéo léo và tính chính xác cao của người thợ (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)


Nếu trước kia, Đại Bái chỉ sản xuất các đồ thờ cúng thì nay đã chuyển sang các mặt hàng như : các loại tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh tứ quý, bình hoa, các bộ đồ trà, các bộ đờ thờ, tranh chạm khảm… đòi hỏi kỹ thuật, mỹ nghệ  cao, được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số  nước ở khu vực châu Á, Đông Nam Á. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng mở rộng, tính đến nay làng nghề  đã có gần 70 doanh nghiệp với  hơn 700 hộ làm nghề với khoảng 1.700 lao động chuyên làm các mặt hàng gò đúc đồng, các sản phẩm đồng mỹ nghệ.  Làng nghề hiện nay có nhiều nghệ nhân giỏi, đạt trình độ tay nghề quốc tế. Học nghề từ người chú ruột khi mới 13-14 tuổi, sau hơn 20 năm, Nguyễn Văn Trung đã nổi tiếng về kỹ thuật, nghệ thuật đúc, tạc tượng. Trong câu chuyện làm nghề, anh tâm sự: "
Gia đình mình thường chế tác các sản phẩm như: đỉnh, lọ, lư hương, đặc biệt là những pho tượng Phật. Làm cái nghề này phải có tâm với nghề, yêu nghề mới làm được. Một phần phải có bí quyết, kinh nghiệm, nhưng nhất định phải có cái tâm trong nghề  thì mới làm ra những sản phẩm đẹp".


Qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, từ khâu làm khuôn mẫu, kỹ thuật đúc, phôi, tỉ mẩn trong từng nét chạm, những bức tượng của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao khi lột tả được nét thần thái, thổi hồn vào bức tượng mà nhân vật được hóa thân.


Vượt qua những thăng trầm, hoạt động làng nghề ở Đại Bái ngày càng mở rộng và phát triển. Nghề thủ công truyền thống ở Đại Bái đang bước sang giai đoạn phát triển mới, đem lại sự thay đổi bộ mặt làng quê  và góp phần nâng cao nâng cao đời sống người dân làng nghề.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Phạm hồng sơn
Mình muốn đúc bộ đỉnh đồng nhà có đồng mang đi đúc có ai đúc ko ạ
Vũ đình Quang
Tôi muốn đúc đôi lọ hoa bằng đồng catut vật liệu của tôi
Nguyễn Văn Thảo

Nhà tôi có 1 đỉnh và 2 cây đèn cao có 40cm nay tôi muốn đúc lại cao 60cm thiếu... Xem thêm

Hương Thu
Tôi muốn biết giá của lư hương va đỉnh đồng
Phan ngoc chau.sai gon
Cho xin số điện thoại và địa chỉ đúc đồng cot phat