Làng làm đàn Đào Xá, nơi lưu giữ thanh âm hồn Việt

Tô Tuấn
Chia sẻ
(VOV5) - Vào thời kỳ phát triển nhất làng có hơn 50 gia đình làm nghề. Tiếng lành đồn xa, trong lịch sử  đã có tốp thợ của làng được tuyển vào làm đàn ở Cung đình Huế. 

(VOV5) - Theo quốc lộ 1A cũ xuôi về phía Nam, cách trung tâm thành phố chừng 50 km có một làng nhỏ nằm trên rẻo đất cuối cùng của địa phận Hà Nội. Đó là làng Đào Xá, một làng thuần nông, nhưng ít ai ngờ đây lại là nôi sản xuất ra những cây đàn, những nhạc cụ độc đáo mang âm hưởng dân tộc. 


Làng làm đàn Đào Xá, nơi lưu giữ thanh âm hồn Việt - ảnh 1
Nghệ nhân Đào Văn Soạn cẩn thận, trau chuốt từng phím đàn. 


Nghe âm thanh bài viết tại đây: 


Làng Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội. Từ bao đời nay Đào Xá nổi tiếng là làng nghề truyền thống với các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Điều đặc biệt, những người làm ra các sản phẩm nhạc cụ lại là những người nông dân. Các loại nhạc cụ được sản xuất ở đây phần nhiều là các loại đàn dân tộc như: đàn bầu, tam thập lục, đáy, nguyệt,  tỳ bà…Bước chân đến đầu làng, du khách không chỉ ngửi thấy mùi thương thơm tỏa ra từ các loại gỗ làm đàn, mà còn được nghe những thanh âm phát ra từ những nhạc cụ.
         

Nghề làm đàn ở Đào Xá đã có cách đây hơn 200 năm do cụ Đào Xuân Lan sáng lập. Từ giữa thế kỷ XIX, những người thợ tài hoa của làng Đào Xá đã mang theo cả gia đình, họ hàng lên thành Thăng Long ( Hà Nội ngày nay) để lập phường nghề, phố nghề. Bằng sự cần cù và tài năng khéo léo, những thợ làm đàn ở Đào Xá đã làm ra những sản phẩm tinh xảo, cung cấp cho kinh kỳ, góp phần làm cho các phường nghề thủ công thêm sầm uất. Trải qua nhiều thời kỳ, nghề làm đàn ở Đào Xá ngày một phát triển. Dân làm nghề trong làng tôn vinh cụ Đào Xuân Lan làm tổ nghề của làng. Hiện nay ở làng Đào Xá có nhà thờ tổ. Hàng năm vào ngày giỗ tổ, dân làng nghề lại đến đây dâng lễ, thắp nén hương thơm tưởng nhớ người đã có công gây dựng cơ nghiệp làng nghề. Ông Đào Xuân Mai là hậu duệ của ông tổ nghề Đào Xuân Lan kể về nguồn gốc làng nghề: "Thủa thanh niên cụ tôi làm nghề thợ mộc. Một lần gặp một người nước ngoài làm đàn giỏi, cụ say mê học theo và chuyển từ nghề mộc sang nghề làm đàn. Cụ vốn thạo nghề mộc, nên nắm bắt được các kỹ thuật làm đàn rất nhanh. Công việc làm ăn phát đạt, cụ về quê tìm anh em con cháu truyền dạy nghề. Trong số học trò đó có nhiều người thành đạt mở cửa hàng trên phố, kể từ đó con cháu làm nghề khắp nơi, suốt từ Bắc vào Nam".

Vào thời kỳ phát triển nhất làng có hơn 50 gia đình làm nghề. Tiếng lành đồn xa, trong lịch sử  đã có tốp thợ của làng được tuyển vào làm đàn ở Cung đình Huế. Tiếp nối truyền thống xưa, hiện nay trong làng có ông Đào Văn Soạn là nghệ nhân làm đàn nổi tiếng cả nước. Ông Soạn là người duy nhất ở Việt Nam được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian quốc gia và danh hiệu nghệ nhân ưu tú của thành phố Hà Nội. Sau hơn 40 năm làm nghề, ông Sọan là người hiểu rõ những thăng trầm của làng nghề: "Trong lịch sử làng nghề, vào thời kháng chiến chống Thực dân Pháp và trước cách mạng 1945 làng nghề phát triển mạnh. Sau khi hòa bình lập lại 1954 làng vẫn giữ được nghề. Nhưng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, làng nghề không phát triển được vì đó là thời kỳ kinh tế khó khăn. Sau chiến tranh, người làng nghề phải đi xa vào tới tận Sài Gòn ( thành phố Hồ Chí Minh) vào Thanh Hóa, Nam Định…".
                

Làng làm đàn Đào Xá, nơi lưu giữ thanh âm hồn Việt - ảnh 2
Những chiếc đàn đã được hoàn thiện..

Trong câu chuyện của mình, ông Soạn cho biết nghề làm đàn cũng lắm công phu. Người thợ phải thạo hay ít nhất phải biết về nghề mộc, chưa kể phải có đôi tai và cặp mắt tinh tế. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện... tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật truyền thống. Cái khó nhất khi làm một chiếc đàn là hoàn thiện âm thanh. Người thợ vừa phải biết căn chỉnh, vừa phải biết thẩm âm để làm sao chiếc đàn đạt được chuẩn mực nhất định. Có một điều lạ đối với khách tham quan, đó là Đào Xá là nơi cung cấp phần lớn các sản phẩm nhạc cụ dân tộc, vậy mà không một người thợ nào ở đây được đào tạo căn bản về âm nhạc. Những người làm nghề đơn thuần dựa từ kỹ thuật thẩm âm do cha ông truyền lại để làm ra những loại đàn mang những âm sắc khác nhau. Vậy mà hiếm khi sản phẩm làng nghề phải trả lại do chưa đạt chuẩn. Nhiều nhạc công biểu diễn ở các tỉnh đến tận làng để đặt hàng, thậm chí có nghệ sỹ nước ngoài tìm đến làng để đặt mua. Ông Hào, người mua đàn dân tộc ở phố Hàng Hòm, Hà Nội,  cho biết: "Đàn ở Đào Xá không trộn lẫn vào đâu được, bởi tay nghề độc đáo của những người thợ. Do đó,việc giữ được nghề truyền thống cũng là nhờ ở kỹ thuật mắt nhìn, tai nghe, thẩm âm và nhất là cảm giác của đôi tay. Bí quyết làm nghề là truyền khẩu, cầm tay chỉ việc".

Giờ đây, làng Đào Xá đã phát triển hơn xưa, nhưng nếp sống và cách sinh hoạt của người dân từ bao đời vẫn vậy. Những người “nông dân nghệ sỹ” của làng nghề vẫn miệt mài gửi vào cây đàn những gì tinh tuý nhất của tâm hồn mà quê hương đã vun đắp cho họ để giữ lấy tổ nghiệp cha ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Hà Thị Minh Huệ

Mình muốn xây dựng tour tìm hiểu về văn hóa của người việt xưa. Mình thấy nghề làm đàn rất hay và... Xem thêm

Y Nhị
tôi muốn mua mấy loại đạo cụ ạ.