Làng nghề nón ngựa Phú Gia, ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, là 1 trong những làng nghề đã có từ lâu đời. Nón ngựa Phú Gia được nhiều người gọi là “kiệt tác” của nón lá bởi đây là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo và mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử trong suốt chiều dài phát triển từ thời vua Quang Trung tới nay.
Mới đây,“Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của những người vẫn đang từng ngày gìn giữ nghề truyền thống.
Mới đây, tại thôn Phú Gia, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp UBND huyện Phù Cát tổ chức trọng thể Lễ đón Bằng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia”là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: VTC |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Làng nón ngựa Phú Gia, thuộc xã Cát Tường, huyện Phù Cát, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 35km, là ngôi làng có lịch sử hình thành và phát triển gần 300 năm của tỉnh Bình Định. Sản phẩm nón Phú Gia không chỉ là chiếc nón lá thông thường mà là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với lịch sử của nghĩa quân Tây Sơn thần tốc.
Nón ngựa Phú Gia là sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo. Theo các nghệ nhân làng nghề, sở dĩ dân gian gọi là nón ngựa trước hết là bởi nón dẻo dai, bền bỉ như loài ngựa. Bên cạnh đó, thuở xưa, nón ngựa Phú Gia được sản xuất chỉ dành riêng giới thượng lưu, quyền quý thường sử dụng trong lúc cưỡi ngựa hay những chiếc nón có bịt bạc, chạm trổ hình rồng, phượng trên đỉnh nón được các quan binh đội trên đầu khi cưỡi ngựa, nhằm thể hiện quyền uy trong thời đại phong kiến. Chính vì vậy, nón của làng nghề Phú Gia nổi tiếng có hoa văn tinh xảo, sang trọng mà ít ở đâu có được. Đặc biệt, nón còn có các mẫu hoa văn, như: mai, lan, cúc, trúc, những biểu tượng của sự thanh tao, đài các, thể hiện được sự luân chuyển của thời tiết bốn mùa. Mỗi chiếc nón ngựa được người dân làng làm ra bằng cả tâm huyết của mình. Ông Đỗ Văn Lan, người có thâm niên hơn 6 thập kỷ làm nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, cho biết: “Nón ngựa rất khó sản xuất, phải làm thủ công 100%. Sản xuất ra 1 chiếc nón ngựa phải qua 10 bước, rất khó. Khó nhất là thêu hoa văn, phải làm sao thêu được những hoa văn đặc sắc.”
Mỗi chiếc nón ngựa Phú Gia được làm ra có kết cấu đặc biệt, rất bền chắc. Ảnh: VTC |
Làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia hiện có khoảng 110 hộ sản xuất với hơn 300 lao động, mỗi năm sản xuất hơn 3.300 sản phẩm. Nón ngựa Phú Gia là sản phẩm mỹ nghệ độc đáo và chứa đựng cả chiều sâu văn hóa nên mỗi chiếc nón được làm rất tỉ mỉ và phải trải qua 3 công đoạn: mê sườn, đan sườn mê và chằm nón. Mỗi công đoạn do một thôn, một xóm làm riêng theo hình thức chuyên môn hóa. Vì sản phẩm độc đáo, nên 1 chiếc nón có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc. Còn đối với những chiếc nón cầu kỳ làm cả tháng mới xong thì có giá khoảng 2,5 triệu đồng/chiếc. Bà Huỳnh Thị Hồng, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, chia sẻ: “Ở làng ai cũng yêu nghề làm nón này. Ngày xưa, nghề này nuôi sống cả gia đình. Có tiền cho con ăn học cũng là nhờ nghề làm nón.”
Hiện nay, ngoài những chiếc nón ngựa truyền thống, các nghệ nhân còn chế tác ra nhiều loại nón cách tân, được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn mua khi đến với đất võ Bình Định. Nón ngựa Phú Gia đã có mặt ở khắp nơi, từ Bắc vào Nam và cả nước ngoài. Bên cạnh đó, làng nón Phú Gia cũng trở thành một điểm nhấn du lịch ở các tour về Bình Định.
Làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia hiện có khoảng 110 hộ sản xuất với hơn 300 lao động, mỗi năm sản xuất hơn 3.300 sản phẩm. Ảnh: VTC |
Trung tuần tháng 9 vừa qua, “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui lớn đối với các nghệ nhân và những người thợ làm nón trong làng. Ông Đỗ Văn Lan bày tỏ: “Nghề chằm nón ngựa Phú Gia” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bà con ở làng rất vui mừng. Đây sẽ là động lực lớn cho gia đình tôi và tất cả mọi người xung quanh thôn Phú Gia này để chúng ta phát triển, phát huy và sáng tạo những chiếc nón đẹp hơn nữa để góp phần bảo tồn làng nghề nón ngựa Phú Gia.”
Theo UBND tỉnh Bình Định, khi Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề, tôn vinh và biểu dương cộng đồng dân cư, nhất là các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết thời gian tới, huyện Phù Cát và tỉnh Bình Định sẽ ban hành những quy hoạch tổng thể, chi tiết đối với làng nghề, qua đó, tiếp tục bảo tồn và phát triển, gắn kết việc giữ gìn bản sắc văn hóa của làng nghề truyền thống và phát triển kinh tế, phát triển du lịch của địa phương: “Chúng tôi sẽ xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp, các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ nhân để giữ nghề và truyền nghề, phải coi các nghệ nhân là tài sản của quốc gia, từ đó có chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Đồng thời cần tiếp tục tổ chức các hoạt động tôn vinh các cá nhân,cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.”
Hiện nay, nón ngựa Phú Gia có mặt ở khắp nơi, từ Bắc vào Nam và cả nước ngoài. Theo UBND tỉnh Bình Định, việc Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề, tôn vinh và biểu dương cộng đồng dân cư, nhất là các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.