Không khí lao động rộn ràng, khẩn trương ở các gia đình trong làng để có thêm nhiều sản phẩm miến chất lượng, tô điểm thêm cho các bữa cơm đầm ấm, sum vầy ngày Tết.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Đến Tam Đường vào các tháng cuối năm, du khách được ngắm những dãy miến phơi dài quanh các con đường làng. Nhiều đoàn khách tới xem những cơ sở sản xuất miến và tận tay chọn mua sản phẩm mang về. Chị Dương Vân Anh, một du khách ở Hà Nội tới mua miến, cho biết: "Mỗi lần đi công tác khi đến đây, tôi thường mua miến dong Bình Lư, bởi gia đình tôi đã ăn quen nhiều năm nay rồi. Miến dong ở đây rất ngon, nên mỗi lần qua đây, tôi lại muốn mua miến về để phục vụ cho gia đình trong dịp Tết và làm quà cho bạn bè nữa."
Nhiều năm nay đồng bào các dân tộc huyện Tam Đường đã chuyển đổi sang trồng dong riềng, giúp hàng trăm hộ ở địa phương thoát nghèo và có thu nhập khấm khá. Ảnh: VOV |
Được chế biến hoàn toàn từ tinh bột nguyên chất của củ dong riềng, miến dong Bình Lư được người tiêu dùng nhớ đến và ưa chuộng bởi những đặc tính riêng biệt, khó lẫn với những loại miến khác.
Không có được sắc vàng bóng bẩy, bắt mắt như miến của làng Cự Đà (Hà Nội), miến dong Bình Lư có màu hơi xanh. Miến có mùi thơm đặc trưng, không bị chua, vị giòn dai, sợi miến nhỏ khi nấu lên rất mềm nhưng không bị dính, và đặc biệt hơn cả là miến có thể nấu lại từ 2-3 lần mà không bị nát. Từ khâu chọn nguyên liệu đến công đoạn chế biến, mỗi bước đều rất tỉ mỉ với mong muốn những sợi miến làm ra không chỉ là món ăn mà còn là niềm tự hào về sản phẩm đặc sản của Bình Lư.
Ông Bùi Văn Phấn, người dân ở xã Bình Lư, chia sẻ: "Nhà tôi làm miến quanh năm và những ngày cuối năm này chúng tôi tập trung tất cả nhân lực vào để làm miến để phục vụ Tết Nguyên đán. Những khi thời tiết nắng ráo, nhà tôi làm được từ 1,2 đến 1,5 tạ bột, gấp đôi so với những ngày bình thường."
Để đảm bảo cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng phục vụ Tết, ngoài lao động sẵn có, gia đình ông Đỗ Văn Tâm, ở bản Toòng Pẳn, xã Bình Lư, đã phải thuê thêm hơn chục công nhân để tập trung sản xuất: "Liên kết với các hộ dân trồng củ dong riềng để có thể đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầu vào, duy trì sản xuất quanh năm. Hằng năm, riêng hộ sản xuất miến như nhà tôi đã đã bao tiêu vào khoảng 500 tấn bột khô của bà con."
Không chỉ các hộ gia đình sản xuất theo mô hình kinh tế hộ, những ngày này các hợp tác xã ở địa phương cũng tất bật với việc sản xuất miến. Để đáp ứng mâm cỗ của người dân, các đơn vị cải tiến chất lượng và đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm miến mới.
Sợi miến được phơi khô để có độ dẻo nhất định, trong và thơm mùi đặc trưng. Ảnh: VOV |
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Lư, cho biết: "Ngoài các sản phẩm cũ, sản phẩm truyền thống hiện nay chúng tôi có thêm 3 loại nữa là miến thái tay, thứ 2 là miến đỗ đen và miễn dong khoai sâm. Ba dòng sản phẩm này hiện nay mới được hợp tác xã đưa ra và cũng được rất nhiều người ưa chuộng để đáp ứng sự đa dạng hàng hóa và yêu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay."
Làng nghề truyền thống sản xuất miến dong Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu hiện có hơn 100 hộ và 3 hợp tác xã sản xuất và trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 550 tấn miến khô. Đến nay, sản phẩm miến dong Bình Lư đã được cơ quan chức năng địa phương công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao (OCOP là chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm) và đã có mặt ở nhiều gian hàng, siêu thị trong cả nước. Sản phẩm miến tại địa phương đã khẳng định được vị thế, thương hiệu trên thị trường và mỗi năm giúp người dân có thu nhập hơn 30 tỷ đồng (gần 1,8 triệu USD) từ trồng dong và sản xuất miến. Miến được chính quyền địa phương kỳ vọng tạo sức bật đưa Bình Lư sớm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Sản phẩm miến dong Bình Lư hiện nay đã được địa phương công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc hữu tại địa phương. Ảnh: VOV |
Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Lư, cho biết: "Hằng năm vào mùa sản xuất, Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo đảm bảo nguồn miến phục vụ cho Tết Nguyên đán. Chúng tôi phối hợp với các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi, tích cực sản xuất để làm sao đáp ứng nguồn hàng cung cấp cho thị trường."
Làng nghề truyền thống sản xuất miến dong Bình Lư đang hối hả vào vụ Tết. Mỗi sản phẩm miến dong đến tay người tiêu dùng không chỉ mang giá trị về mặt vật chất, mà còn là niềm tự hào của một làng nghề truyền thống nơi núi rừng Tây Bắc.