Đổi thay ở xã Hà Bầu

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) - Những năm qua, xã Hà Bầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo.

Nghe âm thanh bài viết tại đây quan giọng đọc PTV Sơn Tùng:

 20 năm trước, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai là nơi hoạt động tôn giáo phức tạp, xảy ra hiện tượng tuyên truyền đạo trái pháp luật, đời sống người dân khó khăn thì nay ở đây đã đổi thay. An ninh, chính trị bảo đảm, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nề nếp, xã Hà Bầu đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Nằm ở phía Bắc huyện Đak Đoa, xã Hà Bầu có vị trí chiến lược của tỉnh Gia Lai. Xã Hà Bầu có 8 thôn, gồm 1 thôn người Kinh và 7 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, dân số hơn 7.800 người, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai, Bana.

Đầu những năm 2000, xã Hà Bầu là địa bàn an ninh chính trị phức tạp nhất ở tỉnh Gia Lai, từng được coi là sào huyệt của tổ chức phản động Fulro ở khu vực Tây Nguyên. Fulro dụ dỗ bà con theo Tin lành Đề Ga, một tà đạo hoạt động trái pháp luật. Những kẻ cầm đầu Fulro sống lưu vong ở nước ngoài kích động, xúi giục bà con các dân tộc thiểu số biểu tình gây bạo loạn, đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga” - Nhà nước tự trị của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay an ninh trật tự, xã hội ở xã Hà Bầu đã ổn định, chính quyền tích cực giúp đỡ những người từng lầm lỡ xây dựng cuộc sống mới.

Đổi thay ở xã Hà Bầu - ảnh 1Một buổi tọa đàm về phát triển kinh tế, xã hội ở xã Hà Bầu. - Ảnh: Ngọc Anh

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa, cho biết: “Chúng tôi xác định chính là do bà con nhận thức không đầy đủ, bị kích động, lôi kéo và do cuộc sống khó khăn. Trước hết phải làm cho người dân ổn định cuộc sống, có công ăn việc làm, làm phai nhạt mặc cảm, tự ti để họ hội nhập thoải mái. Tùy theo điều kiện hoàn cảnh từng người mà chúng tôi có cách hỗ trợ, động viên khác nhau.”

Công tác giáo dục, cảm hóa các đối tượng từng theo Fulro chuyển biến tích cực. Hầu hết những người này đều chấp hành tốt các chính sách và pháp luật của Nhà nước và không tái phạm. Ông Bome, người dân tộc Bana, ở làng Rai, xã Hà Bầu, một trong những người trước đây cầm đầu Fulro, bày tỏ: “Bây giờ hối hận muộn màng rồi. Bà con nhìn thực tế cuộc sống ngày nay bởi vì cuộc sống ngày nay cho ta được một cuộc sống tốt đẹp hơn trước đây nhiều lần. Trước đây đường xá, trường học chưa có bây giờ đường xá, cầu đường đàng hoàng, trạm xá có rồi. Chính quyền tạo điều kiện an sinh xã hội cho bà con.

Đổi thay ở xã Hà Bầu - ảnh 2: Tuyên truyền an toàn giao thông cho người dân. - Ảnh: Ngọc Anh

Trên địa bàn xã hiện có 4 tôn giáo là Tin lành, Công giáo, Phật giáo và Cao đài. Các điểm nhóm tôn giáo tuân thủ Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật của Nhà nước và sinh hoạt theo chương trình đăng ký hàng năm. Bà con các tôn giáo đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn. Ông Y Mlúi, người dân tộc Jrai, người dân xã Hà Bầu, cho biết: “Trong xã, có 3 dân tộc Kinh, Bana, Jrai. Bà con đoàn kết tốt, cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế. Địa bàn xã hiện tại trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, ổn định. Tôi hoan nghênh bà con trước đây lầm lỗi nay đã được giáo dục, cảm hóa, phát huy tốt”

Là xã thuần nông, Hà Bầu diện tích 4.752 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 3.773 ha, đất lâm nghiệp 130 ha, tổng đàn gia súc, gia cầm (trâu, bò, lợn, gà, vịt…) là 14.420 con. Gần 10 năm qua, xã Hà Bầu đầu tư hơn 47 tỷ đồng để tu bổ, xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 2020, xã tổ chức 2 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi lớp có 30 học viên. Xã phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Hiệp triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cafe bền vững cho các hộ dân tại thôn 76 và làng Sao Đúp.

Ông Y Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hà Bầu, cho biết: “Kinh tế xã thế mạnh là cây café và cây hạt tiêu. Đời sống nhân dân ngày một nâng cao, cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng phát triển ở địa phương, an ninh chính trị cơ bản ổn định. Nhìn chung bảo đảm quyền con người, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, khám chữa bệnh cho nhân dân. Về giảm nghèo đầu năm 2020 toàn xã có 40 hộ nghèo chiếm 2% đến cuối năm 2020 hộ nghèo còn 28 hộ chiếm 1,5%. Xã xây dựng nếp sống văn minh, ngăn chặn tệ nạn xã hội, chú trọng nâng cao đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.”

Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo xã Hà Bầu đổi thay rõ nét. Xã phát triển kinh tế theo cơ cấu nông nghiệp - thương mại dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 khoảng 41 triệu đồng/người, là mức cao so với các vùng đồng bào dân tộc ở khu vực Tây Nguyên.

Ông Ksor Krung, người dân tộc Jrai, xã Hà Bầu, cho biết: “Năm 2001 tôi sai lầm trốn sang Campuchia, bị chính quyền bắt giữ 9 tháng. Cảm ơn Nhà nước cho tôi về quê làm ăn, vợ con được nhờ. Bây giờ cứ ở nhà làm ăn thôi không nghe kẻ xấu bỏ đi nữa. Ở nhà làm ruộng, nuôi bò, trồng café. Thu nhập 1 năm gia đình từ 60 đến 70 triệu đồng”

Đời sống văn hóa và tinh thần của người dân xã Hà Bầu cũng ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực. Hiện nay, cả 8/8 thôn, làng đạt danh hiệu làng văn hóa, trong đó có 3 làng văn hóa đạt danh hiệu này 5 năm liền là làng Nú, làng Ia Mút, làng Bông.

Những năm qua, xã Hà Bầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ vượt bậc về xóa đói giảm nghèo. Xã Hà Bầu đã đạt được 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, là địa phương duy nhất ở huyện Đak Đoa về đích nông thôn mới trong năm 2020

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu