Làng Canh Hoạch, còn có tên nôm là làng Vác, thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nơi đây nổi tiếng là vùng đất truyền thống khoa cử. Làng Canh Hoạch có dòng họ Nguyễn thành đạt với nhiều người học giỏi, đỗ cao. Đây cũng chính là nơi sản sinh ra 2 Trạng nguyên, những bậc hiền tài của đất nước.
Cổng làng Canh Hoạch
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trạng nguyên là người có học vị cao nhất trong nền giáo dục Nho học của nhà nước phong kiến Việt Nam, là người đỗ cao nhất trong các khoa thi thời phong kiến ở Việt Nam. Danh hiệu Trạng nguyên được phong ở các Triều: Lý (1010- 1028), Trần (1225 - 1400), hậu Lê (1427-1789), Mạc (1527 - 1593). Lịch sử khoa bảng Việt Nam ghi nhận có 55 Trạng nguyên. Làng Canh Hoạch có 2 Trạng nguyên, là rất hiếm có ở Việt Nam. Chưa có làng nào ở Việt Nam có quá 2 Trạng nguyên. Ngoài làng Canh Hoạch chỉ có một làng nữa có 2 Trạng nguyên là làng Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
Hai vị Trạng nguyên của làng Canh Hoạch là Nguyễn Đức Lượng và Nguyễn Thiến. Đây là 2 cậu cháu, nên dân gian gọi là Trạng cậu, Trạng cháu. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng họ Nguyễn Đức ở làng Canh Hoạch, người trông coi nhà thờ Trạng nguyên của làng, kể: “Vị thủy tổ họ Nguyễn của làng là cụ Nguyễn Bá Ký. Cụ đỗ tiến sĩ năm 1463 dưới triều vua Lê Thánh Tông. Con cụ Nguyễn Bá Ký là Nguyễn Đức Lượng, đỗ Trạng nguyên năm 1514 dưới triều vua Lê Tương Dực. Cụ được phong chức Tả Thị lang bộ lễ (như chức Thứ trưởng Bộ ngoại giao ngày nay), khi mất được phong tặng Thượng thư (tương đương chức Bộ trưởng Ngoại giao). Khi Nguyễn Thiến 6 tuổi được mẹ là bà Nguyễn Thị Hiền gửi cho cậu là Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng nuôi dạy học. Sau này Nguyễn Thiến cũng thành tài và đỗ Trạng nguyên năm 1532 dưới triều vua Mạc Đăng Doanh. Đó là sự tích Trạng cậu, Trạng cháu”.
Các bậc cao niên trong làng chụp ảnh lưu niệm tại nhà thờ Trạng nguyên
|
Người đỗ Trạng nguyên không chỉ mang lại thanh danh cho gia đình, dòng họ, dân làng mà còn được lịch sử ghi danh, tiếng tăm vang mãi. Ông Nguyễn Văn Khanh, một người dân làng Canh Hoạch, bày tỏ: “Dân làng Vác chúng tôi rất vinh dự và tự hào vì có 2 trạng nguyên. Chúng tôi là con cháu muốn phát huy truyền thống học tập của các cụ để lại. Coi đó là tấm gương cho các cháu học tập, đóng góp xây dựng quê hương làm sao giàu đẹp hơn”.
Hàng năm cứ đến ngày Tết, ngày giỗ hai Trạng nguyên, các vị chức sắc cùng dân làng đều đem lễ vật đến thắp hương tại nhà thờ Trạng nguyên, tưởng nhớ công danh, sự nghiệp của 2 vị Trạng nguyên. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng họ Nguyễn Đức ở làng Canh Hoạch, cho biết: “Lễ hội của làng Canh Hoạch tổ chức từ 11-13/3 âm lịch hàng năm. Hai Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, Nguyễn Thiến có công lao với đất nước, nhiều công đức và ân nghĩa với dân làng. Cho nên cứ đến lễ hội làng, cả làng lại tổ chức rước kiệu, một là rước bát hương Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng, hai là Thái Bảo thường Quốc công Nguyễn Quyện, con của Trạng nguyên Nguyễn Thiến về để tế lễ. Sau đó làng lại tổ chức rước về nhà thờ an vị ở Từ đường. Nhà thờ Trạng nguyên xây dựng từ năm 1596. Ở đây vẫn còn lưu giữ được nhiều di vật văn hóa như biển Tiến sĩ, bát hương cổ, 10 đạo sắc phong vua ban, có bức đại tự Trạng nguyên. Nhà thờ Trạng nguyên được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp Nhà nước”.
Đình làng Canh Hoạch
|
Dòng họ Nguyễn ở làng Canh Hoạch có nhiều đời đỗ đạt cao, làm quan nên trong nhà thờ Trạng nguyên có đôi câu đối:
Cựu Trạng nguyên, sanh Trạng nguyên, nhất giáp khoa danh quang sử bút/Phụ Tiến sĩ, tử Tiến sĩ, bát truyền chung đỉnh dụ Gia khương.
Dịch là: Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa danh đỗ đầu sáng danh sử sách/Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc đầy nhà.
Chùa Diên Phúc ở làng Canh Hoạch
|
Trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện cảm động về làng Canh Hoạch có Trạng cậu, Trạng cháu. Trong cuốn sách lịch sử họ Nguyễn Tiên Điền của học giả Lê Thước (1891 - 1975), ghi chép họ Nguyễn ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nơi sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du có gốc họ Nguyễn làng Canh Hoạch. Dân làng Canh Hoạch ngày nay luôn gìn giữ, phát huy truyền thống hiếu học mà ông cha để lại.