Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ngạn ngữ xưa có câu “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” để bày tỏ niềm tự hào của người dân làng Vẽ có nhiều người thành đạt trong khoa bảng. Triều đình phong kiến Việt Nam trước đây quy định làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì được coi là làng khoa bảng.
Dưới thời phong kiến, tính từ thời nhà Lý (1010 - 1225) đến thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), Việt Nam có khoảng 20 làng khoa bảng. Tuy không có Trạng nguyên nhưng Đông Ngạc vẫn là một trong những làng khoa bảng tiêu biểu vì có tới 22 Tiến sĩ.
Bia tiến sĩ làng Đông Ngạc |
Các dòng họ trong làng, dòng họ nào cũng có người đỗ Tiến sĩ, ít nhất là một người, nhiều nhất là họ Phạm 9 người. Ông Phạm Quang Đại, bậc cao niên trong làng, kể: “Người đỗ Tiến sĩ đầu tiên là cụ Phan Phu Tiên thời Trần năm 1396. Năm 1429 nhà hậu Lê nhà Vua mở khoa thi Minh kinh tức là thi Tiến sĩ kén chọn hiền tài. Lúc đó cụ Phan Phu Tiên thi lần nữa lại đỗ Tiến sĩ. Như vậy cụ đỗ Tiến sĩ hai lần. Làng này ca ngợi cụ Phan Phu Tiên là người khai khoa của làng nhưng đồng thời lại là Lưỡng triều Tiến sĩ tức là Tiến sĩ của hai Triều là triều Trần và triều hậu Lê. Làng có 21 Tiến sĩ văn, 1 Tiến sĩ võ. Làng Vẽ đứng thứ 3 trong toàn quốc thời phong kiến về đỗ Tiến sĩ sau làng Mộ Trạch ở Hải Dương (36 Tiến sĩ), làng Kim Đôi ở Bắc Ninh (25 Tiến sĩ).”
Đông Ngạc đã sản sinh ra nhiều danh nhân, đóng góp lớn ở nhiều lĩnh vực cho đất nước. Làng Đông Ngạc được Triều đình phong kiến ban tặng bốn chữ “Mỹ tục khả phong”, một danh hiệu cao quý mà Triều đình ban cho các làng có nhiều đóng góp với Triều đình. Tiêu biểu phải kể tới là cụ Đỗ Thế Giai, làm quan thời Lê, khi cụ còn sống được triều đình phong Vương, gọi là Đỗ Đại Vương. Ông Đỗ Quốc Hiến, Trưởng họ Đỗ làng Đông Ngạc, cho biết: “Cụ đỗ cử nhân nên được phong là Tiến sĩ Tiến triều. Cụ Đỗ Đại Vương làm quan thời vua Lê Cảnh Hưng 1760. Là người ngay thẳng, trung trực, cụ được Vua ban tặng 4 chữ Thiết thạch tinh trung có nghĩa là khen cụ có long trung sắt đá. Cụ là người duy nhất thời Lê được phong Vương lúc sống. Khi mất cụ được phong là Thượng đẳng phúc thần tức là không những nghĩa vụ con cháu phải thờ phụng để tưởng nhớ công lao cụ với dòng họ mà dân làng cũng phải có nghĩa vụ thờ cúng bởi cụ có nhiều công lao với nước.”
Văn chỉ của làng |
Hầu hết những chiếc cổng làng, cổng ngõ ở Đông Ngạc đều có cuốn thư, quyển sách, nghiên bút thể hiện tinh thần hiếu học hoặc có những câu đối nhằm khuyên con cháu chịu khó học hành theo gương các cụ tổ tiên, phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ. Truyền thống ham học của người dân Đông Ngạc hiếm có nơi nào có được. Ông Phạm Quang Đại cho biết: “Cả làng đi học, nhà này ganh đua với nhà kia, họ nọ ganh đua với họ kia. Truyền thống đó kế tục truyền từ đời nọ sang đời kia. Có rất nhiều gương hiếu học điển hình là cụ Phạm Quang Trạch. Cụ chăm học đến mức nhà có vườn cau cụ ra ngoài vườn đọc sách, cứ đi vòng quanh các cây cau đọc sách mà tất cả các thân cây cau nhẵn bóng do cụ vịn tay vào nhiều quá, ma sát mòn cây. Ngay cả ông, bố cũng trở thành thày đồ để dạy học cho con thành tài. Như cụ Phạm Quang Mãn sau khi đỗ Tiến sĩ nhà Vua hỏi học ai mà giỏi thế, cụ thú thật là nhờ bố kèm cặp, dạy con. Hay cụ Phạm Quốc Hoàn nhờ có ông nội Phạm Thọ Chinh và bố Phạm Quý Tôn dạy cho thành tài thi đỗ Tiến sĩ.”
Nối tiếp truyền thống ông, cha, những người con Đông Ngạc ngày nay có khoảng 100 người có học vị Tiến sĩ. Có những người đã trở thành lãnh đạo cấp cao Nhà nước, những chính khách, nhà yêu nước được lịch sử ghi danh như Sĩ phu Hoàng Tăng Bí, Tiến sĩ Phan Văn Trường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm...
Ðông Ngạc với bề dày truyền thống khoa bảng là nét đẹp của văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Có được những thành tích đó là nhờ đức tính cần cù, chịu khó, ý thức phấn đấu học tập của mỗi người con Đông Ngạc. Dân làng Đông Ngạc luôn tự hào về truyền thống hiếu học của mình.