Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến phát triển của Ấn Độ

Chia sẻ
(VOV5) - Những thành tựu Ấn Độ đạt được trong quá trình phát triển nền kinh tế tri thức sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác, đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp của cả hai nước. 

Hãng thông tấn PTI của Ấn Độ ngày 28/02 đăng bài phỏng vấn Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 02-04/03 tới, trong đó thể hiện Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường quan hệ thương mại cũng như thúc đẩy hoạt động kết nối hàng hải và hàng không giữa hai nước. 

Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến phát triển của Ấn Độ - ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh TTXVN 

Trả lời PTI, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá hai nước Ấn Độ và Việt Nam đều có vị trí chiến lược tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á và đây chính là cơ sở tiềm năng để hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, với lợi thế để phát triển kinh tế biển, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng hai nước có thể tăng cường việc trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược hàng hải.

Về hợp tác thương mại giữa hai nước, Chủ tịch Trần Đại Quang đã nêu giải pháp để hai nước đạt được mục tiêu phấn đấu đưa tổng kim ngạch thương mại song phương lên mức 15 tỷ USD vào năm 2020, đó là đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh phù hợp với nhu cầu của Việt Nam; tăng cường kết nối hàng hải và hàng không; giảm bớt và hướng tới bãi bỏ các rào cản thương mại cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hai chiều. 

Theo PTI, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng hai nước có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin.... và ứng dụng công nghệ mới như công nghệ sinh học, nông nghiệp xanh, công nghệ nano... Chủ tịch Trần Đại Quang hoan nghênh các sáng kiến của Ấn Độ như "Make in India", "Digital India" và "100 Smart Cities"… và cho rằng những thành tựu Ấn Độ đạt được trong quá trình phát triển nền kinh tế tri thức sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác, đầu tư và kinh doanh cho các doanh nghiệp của cả hai nước. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu