Tuyên bố chung cho biết nhận lời mời của Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Yoon Suk-yeol, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước Đại Hàn Dân Quốc từ ngày 4/12 đến ngày 6/12/2022. Trong chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Yoon Suk-yeol và hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol vẫy tay chào cộng đồng người Việt Nam tham dự lễ đón. Ảnh: Vũ Dũng/ VOV |
Tuyên bố chung nhấn mạnh hai nước Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên tất cả các lĩnh vực; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, hợp tác bảo vệ môi trường biển; đồng thời, nhất trí tăng cường năng lực ứng phó chung đối với các tình huống khẩn cấp, tiếp tục phối hợp lập trường trên các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, chung lợi ích.
Hai bên nhất trí thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, giữ vững vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, trước mắt phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2023, hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác trên cơ sở “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa Bộ Ngoại giao hai nước. Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN |
Lãnh đạo Cấp cao hai nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; nhất là khẳng định nguyên tắc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Lãnh đạo cấp cao hai nước đề nghị các bên liên quan kiềm chế, không có hành động đơn phương nhằm quân sự hóa, thay đổi nguyên trạng hoặc làm phức tạp tình hình ở Biển Đông; thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đạt một Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là với UNCLOS.