Thực chất và hiệu quả: yêu cầu cốt lõi của gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ trình Quốc hội có tổng kinh phí 346 nghìn tỷ đồng, được triển khai trong 2 năm: 2022 – 2023.

Ngày 07/01, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên thảo luận trực tuyến toàn thể đầu tiên về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay đầu giờ thảo luận buổi sáng, hơn 60 đại biểu đã đăng ký phát biểu về nhiều nội dung của chính sách quan trọng này.

Các ý kiến bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực chất và hiệu quả: yêu cầu cốt lõi của gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 1Toàn cảnh phiên thảo luận trực tuyến. Ảnh quochoi.vn

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội, chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội là sự gửi gắm niềm hy vọng của người dân và doanh nghiệp vào tương lai tốt đẹp hơn do đó cần cụ thể hơn và rõ trách nhiệm hơn.
Đặc biệt, đại biểu cho rằng cần đảm bảo nguồn lực, hiệu quả, kết quả đầu ra:  "Chúng ta chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau 1 thời gian nhất định sẽ thu được kết quả lớn hơn, vậy bỏ ra 346 nghìn tỷ thì thu được kết quả gì, cần rõ kết quả đầu ra. Về tiêu chí đầu tư nguồn lực, một nguyên tắc quan trọng là nguồn lực phân bổ phải trên nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc. Lần này sẽ phân bổ 346 nghìn tỷ cho các mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu phân bổ trực tiếp, gián tiếp như thuế, hỗ trợ lãi suất…Nhưng dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách. Có ý kiến cho rằng danh mục dự án cần bao quát mọi lĩnh vực, nhưng quan điểm của tôi là chỉ nên tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng"        

Theo đại biểu Mai Văn Hải, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, gói hỗ trợ để phục hồi sản xuất kinh doanh chỉ nên tập trung vào lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải... Việc này nhằm giúp nguồn vốn hỗ trợ tập trung vào lĩnh vực sản xuất cốt lõi. Về nguồn lực, đại biểu cho rằng nên ưu tiên huy động từ trong nước.

Để việc phục hồi sớm có tác động, nhiều đại biểu nhấn mạnh việc tạo cơ chế thủ tục không rào cản, tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ phục hồi, triệt để ứng dụng khoa học và công nghệ trong triển khai.

Về nhóm chính sách an sinh xã hội, một số ý kiến cho rằng chương trình phục hồi cần có sự quan tâm rõ hơn, mạnh hơn đối với chính sách hỗ trợ người lao động. Đối tượng thụ hưởng không chỉ là những lao động chính thức mà cần quan tâm hơn tới khu vực phi chính thức. Cụ thể cần tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho lao động chính thức và phi chính thức; hỗ trợ kinh phí thỏa đáng xây nhà ở cho công nhân…

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ trình Quốc hội có tổng kinh phí 346 nghìn tỷ đồng, được triển khai trong 2 năm: 2022 – 2023. Chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Dự kiến, các đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vào ngày bế mạc kỳ họp, 11/01.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu