Kỳ họp Quốc hội bất thường: Xem xét những vấn đề cấp bách cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Lại Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Phóng viên Lại Hoa phỏng vấn Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường về sự cấp bách của Kỳ họp và những nội dung quan trọng được cho ý kiến tại kỳ họp.

 Sáng ngày 04/1 tại Nhà Quốc hội, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành Kỳ họp bất thường, xem xét, quyết định 4 nội dung quan trọng, cấp bách cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là kỳ họp chưa từng có tiền lệ, hoạt động này tiếp tục cho thấy tinh thần đổi mới hành động đồng hành cùng Chính phủ của Quốc hội khóa 15, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.   

   Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

PV. Thưa ông Bùi Văn Cường, ngay trong những ngày đầu năm 2022, Quốc hội tiến hành Kỳ họp bất thường. Việc tổ chức kỳ họp chưa có tiền lệ này có ý nghĩa như thế nào?

Ông Bùi Văn Cường: Theo luật định chúng ta có hai hình thức, một là họp thường lệ và họp bất thường. Trước những yêu cầu cấp bách và giải quyết những yêu cầu thực tiễn đặt ra, Quốc hội tổ chức cuộc họp bất thường lần thứ nhất. Có nghĩa là sẽ có những lần thứ hai và lần thứ 3. Nếu cũng nội dung này, mà chúng ta để đến 6 tháng sau mới đưa vào kỳ họp thì rõ ràng sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước. Có những vấn đề có thể tác động đến vài năm, thì rõ ràng kỳ họp bất thường là hết sức cần thiết, để giải quyết kịp thời những yêu cầu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà thực tiễn đòi hỏi, cũng như yêu cầu thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng để sớm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Kỳ họp Quốc hội bất thường: Xem xét những vấn đề cấp bách cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội - ảnh 1Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường 

PV. Điều này càng minh chứng cho tinh thần Quốc hội đổi mới? Thưa ông?

Ông Bùi Văn Cường: Đây là một sự minh chứng rất rõ nét cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15. Chúng ta đổi mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và đáp ứng theo yêu cầu đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong thể chế các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Có thể nói, chuẩn bị cho kỳ họp bất thường thì các nội dung hết sức quan trọng. Đó là vấn đề về xem xét gói tài chính, tiền tệ để thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế. Đó là một luật sửa nhiều luật, có nghĩa là sẽ giải quyết những vướng mắc về mặt thể chế, để cho luật được vận hành tốt hơn vào cuộc sống thì sẽ thúc đẩy sự phát triển. Vấn đề về đường cao tốc Bắc Nam, rõ ràng là hết sức quan trọng, chúng ta quyết định được sớm thì sẽ làm cho phát triển của đất nước sẽ nhanh hơn. Rồi quyết định cơ chế đặc thù cho Cần Thơ. Cần Thơ là một trung tâm của miền Tây, rõ ràng động lực này nếu được phát triển nhanh hơn thì sẽ kéo theo cho tăng trưởng của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đó là những vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.

PV. Với Kỳ họp bất thường cũng cho thấy tinh thần Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước? Thưa ông?

  Ông Bùi Văn Cường: Nhiều vấn đề cần phải đổi mới trong nhiệm kỳ để đáp ứng ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, nhất là vai trò của Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Trên cơ sở các chủ trương nghị quyết của Đảng, Quốc hội chủ động hơn, cùng với các cơ quan hữu quan, nhất là Chính phủ để giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cấp bách đặt ra. Ví dụ như Nghị quyết 30 là một nghị quyết chưa có tiền lệ, để trao những quyền đặc cách, đặc thù. Chỉ có sự chủ động, sáng tạo đổi mới để đồng hành vì sự phát triển của đất nước thì Quốc hội có được quyết sách rất quan trọng. Tới đây, những hoạt động Kỳ họp bất thường này cũng thể hiện rất rõ sự đồng hành, sự vào cuộc, sự chủ động, đổi mới Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15.

PV. Dù rất cấp bách và diễn ra theo hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhưng chất lượng vẫn là ưu tiên hàng đầu của kỳ họp bất thường đúng không thưa ông?

Ông Bùi Văn Cường: Cách thức tổ chức kỳ họp chúng ta sẽ ngày càng linh hoạt hơn và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hơn. Có thể nói bối cảnh dịch bệnh của Covid-19 ở Hà Nội đang diễn biến rất phức tạp, các địa phương cũng có những diễn biến phức tạp. Nếu chúng ta triệu tập về họp tập trung thì không phù hợp, thêm vào đó lại mất thời gian và lãng phí tiền của cho việc đi lại, ăn, ở. Họp trực tuyến để vẫn giải quyết được nhiệm vụ, nhưng vẫn đảm bảo được sự an toàn và vẫn tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch, để đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển địa phương. Rõ ràng, hoạt động của Quốc hội ngày càng năng động, sáng tạo, linh hoạt hơn.

PV. Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu