Định hướng phát triển kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam thành kênh truyền hình chính luận chuyên sâu

Chia sẻ
(VOV5) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Truyền hình Quốc hội Việt Nam phải nâng cao chất lượng, hình thức thể hiện để thu hút khán giả.

Tối 5/1, tại Ngô Quyền, Hà Nội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 7 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên (06/01/2015 – 06/01/2022) và Ra mắt Hệ sinh thái số.

Cách đây 7 năm, ngày 06/01/2015, đúng dịp kỷ niệm 69 năm Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã chính thức ra mắt. Từ một Kênh truyền hình trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về thời lượng phát sóng, khung chương trình, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng đội ngũ, khẳng định vị thế của một cơ quan truyền thông của Quốc hội, là cầu nối gần gũi giữa Quốc hội với cử tri, được Lãnh đạo Quốc hội và cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Truyền hình Quốc hội Việt Nam xác định mục tiêu trở thành Kênh truyền hình chính luận chuyên nghiệp, chuyên sâu và hấp dẫn hàng đầu Việt Nam.

Định hướng phát triển kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam thành kênh truyền hình chính luận chuyên sâu - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: VOV

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng và đánh giá cao bước trưởng thành của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử tới cử tri và khán giả truyền hình cả nước, trở thành một trong 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, cùng với Báo Đại biểu nhân dân trở thành những cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội.

Về định hướng hoạt động trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Truyền hình Quốc hội Việt Nam phải nâng cao chất lượng, hình thức thể hiện để thu hút khán giả; tăng cao sự tương tác với khán giả; nâng cao chất lượng của các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên. Ngoài trình độ báo chí, các phóng viên, biên tập viên cần có những hiểu biết sâu về chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, Truyền hình Quốc hội Việt Nam cần xây dựng được chiến lược phát triển, xác định được sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý văn hóa của cơ quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của một Kênh truyền hình thiết yếu quốc gia không ngừng đổi mới, phát triển cả về “chất” và “lượng”, thực sự là cầu nối tin cậy giữa Quốc hội với cử tri và Nhân dân cả nước, để “cử tri ở đâu, Truyền hình Quốc hội Việt Nam ở  đó”.

Nhân dịp này, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã ra mắt Hệ sinh thái số trên nền tảng internet tại địa chỉ quochoitv.vn. Đây được kỳ vọng sẽ là trung tâm nội dung số về các hoạt động của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, của các cơ quan thuộc Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội; là nền tảng của kết nối, tương tác và sáng tạo nội dung phục vụ cử tri cả nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu