“Thái Lan và Việt Nam – Đối tác Chiến lược vì sự phát triển bền vững”

Chia sẻ
(VOV5) - Thông điệp của Đại biện lâm thời Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, bà Wanthanee Viputwongsakul nhân dịp kỷ niệm sinh nhật cố Quốc Vương Bhumibol Adulyadej, ngày Quốc khánh và Ngày của cha.

Ngày 5 tháng 12 hàng năm được coi là một ngày quan trọng đối với người dân Thái Lan bởi đây vừa là ngày sinh của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, ngày Quốc khánh và là ngày của cha. Ngoài ra, Tổ chức Liên Hợp quốc còn lấy ngày 5 tháng 12 là “Ngày Đất thế giới” nhằm ghi nhận những đóng góp của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej trong việc bảo vệ, khắc phục và phục hồi lại sự màu mỡ cho các vùng đất đã cằn cỗi, bạc màu.

“Thái Lan và Việt Nam – Đối tác Chiến lược vì sự phát triển bền vững” - ảnh 1 Bà Wanthanee Viputwongsakul, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội

Vào ngày này, người dân Thái Lan thường bày tỏ lòng biết ơn về những cống hiến to lớn của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, thể hiện lòng trung thành với Quốc vương đương thời Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun, người kế thừa, gìn giữ và phát huy những tâm nguyện của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Đây cũng là dịp mà người dân Thái Lan cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc, cũng như lòng hiếu thảo với chính người cha của mình.       

Trong khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, mối quan hệ song phương giữa Thái Lan và Việt Nam diễn ra sôi động và có nhiều chuyển biến thiết thực kể từ khi hai nước nâng quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược (Strategic Partnership) vào năm 2013. Thái Lan đã xây dựng quan hệ Đối tác Chiến lược gần gũi với Việt Nam trên mọi phương diện từ chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, văn hóa đến giao lưu nhân dân.

Trong năm 2018 này, hai bên cũng trao đổi các chuyến thăm cấp cao như chuyến thăm của Đại tướng Prayut Chan-o-cha, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Thái Lan tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS Summit) lần thứ 6 tại Thủ đô Hà Nội từ 30 - 31/3/2018. Thủ tướng Chính phủ CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng tới Thái Lan tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế  Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong Economic Cooperation Strategy -ACMECS) lần thứ 8 diễn ra từ 15 – 16/6/2018 tại Thủ đô Băng-Cốc. Ngoài ra, các chuyến thăm trên mọi cấp độ giữa hai nước cũng được tiến hành thường xuyên, minh chứng quan trọng cho quan hệ hữu nghị lâu đời của hai dân tộc. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan của hai nước cũng đang trong quá trình chuẩn bị cho việc tổ chức các hội nghị trong khuôn khổ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, mọi cấp độ, đặc biệt là cuộc họp Nội các chung Thái Lan – Việt Nam lần thứ 4 (4th Joint Cabinet Retreat - JCR). Đây cũng là khuôn khổ hợp tác mà Thái Lan chỉ có với một số ít các quốc gia.

Quan hệ hợp tác kinh tế song phương cũng liên tục có những bước phát triển. Trong năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ đô la Mỹ và tôi có niềm tin rằng hai nước sẽ đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020 như mục tiêu mà Chính phủ hai bên đã đề ra. Tôi hết sức vui mừng khi Thái Lan đứng thứ 10 về đầu tư tại Việt Nam với tổng mức vốn đầu tư đạt 9 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017. Trong đó, các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế biến và ngành dịch vụ. Với cương vị là người đại diện cho Chính phủ Thái Lan, tôi vô cùng phấn khởi khi Thái Lan được góp phần chung sức cùng Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế vì lợi ích chung của cả hai quốc gia trong tương lai.

Quan hệ hợp tác về văn hóa và du lịch cũng là một trong những cơ chế quan trọng góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giao lưu nhân dân giữa Thái Lan và Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2017, lượng du khách Thái Lan và Việt Nam sang thăm quan lẫn nhau ước đạt trên 1 triệu lượt người. Ngoài ra, hai phía còn có các hoạt động trao đổi về đào tạo, giao lưu thanh niên và giao lưu trong lĩnh vực thông tin truyền thông.

Trên khuôn khổ đa phương, Thái Lan và Việt Nam có quan hệ hợp tác chặt chẽ trong mọi khung hợp tác. Trong đó có thể kể đến việc Thái Lan hết sức ủng hộ Việt Nam ra ứng cử trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Ngoài ra, hai nước còn cùng nhau hợp tác trong các khuôn khổ khác tiêu biểu như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation- APEC), Hội nghị Bộ trưởng Đối thoại Hợp tác Châu Á (Asia Cooperation Dialogue-ACD), Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng, Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong, Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM). Về phần mình, Thái Lan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trên mọi diễn đàn nhằm tăng cường vai trò nòng cốt của ASEAN trong cấu trúc an ninh của khu vực, hướng tới củng cố hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển bền vững trong khu vực của chúng ta.

Với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2019, Thái Lan sẵn sàng phối hợp với tất cả các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam bởi Việt Nam sẽ luân phiên đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020; Đề cao quan hệ Đối tác Chiến lược và cùng nhau tiến về phía trước nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN trong đó lấy người dân làm trung tâm, tăng cường sự kết nối và phát triển một cách bền vững trên mọi bình diện.

Cuối cùng, tôi tin tưởng rằng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam sẽ ngày càng được tăng cường và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu