Sáng 31/05, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, tiếp tục thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước. Phiên thảo luận được phát sóng trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân theo dõi.
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. - Ảnh: quochoi |
Các đại biểu tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến nhiều vấn đề về việc triển khai các dự án giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, quản lý giá cả; phòng chống dịch bệnh, giải pháp bảo đảm tăng trưởng bền vững, nhất là trong nông nghiệp; vấn đề môi trường; vấn đề tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển biến phức tạp và xu hướng suy giảm, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc quyết liệt chỉ đạo điều hành thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế thời gian qua.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, các yếu tố đảm bảo cho kinh tế tăng trưởng cao, liên tục, bền vững vẫn bộc lộ hạn chế; một số giải pháp khắc phục còn yếu và thiếu đồng bộ. Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình, cho rằng: “Với đà tăng trưởng này, nếu Chính phủ tiếp tục giảm nợ công xuống dưới 55% GDP trong những năm tới thì tăng trưởng kinh tế có thể còn tăng cao hơn nữa. Mặc dù vậy, về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, tôi đề nghị Chính phủ giữ quan điểm thận trọng. Điều khiến chúng ta lo lắng nhất vẫn là tốc độ cải cách thể chế hành chính vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, gây ảnh hưởng lớn đến triển vọng phát triển dài hạn của nền kinh tế. Công cuộc cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 dù đạt được một số kết quả tích cực nhưng chưa mang nhiều dấu ấn bứt phá”.
Giải trình vấn đề các đại biểu đề cập trong lĩnh vực kinh tế, đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế hiện nay trong cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế, cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Việc khắc phục những hạn chế này cần có sự kết hợp giữa những giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong thời gian tới, cần có những giải pháp căn cơ để thực hiện. Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó có vai trò và trách nhiệm của các Bộ, ngành và các địa phương, của các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện và giám sát các chương trình, chính sách, dự án đầu tư”.
Cũng trong phiên họp sáng 31/05, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tham gia giải trình, làm rõ thêm vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.