Sáng 4/11, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn sáng 4/11. Ảnh: quochoi.vn |
Nội dung chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông gồm: việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; kiểm tra, quản lý trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác, mạng xã hội…
Trả lời chất vấn về vấn đề chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nền tảng số Việt Nam là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Dữ liệu số là nguồn tài nguyên quan trọng nên Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn liên quan đến đào tạo nhân lực thông tin. Ảnh: quochoi.vn |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố ở mức quốc gia 52 nền tảng số đưa vào hoạt động khai thác. Đây là các nền tảng số dùng chung quốc gia. Chúng tôi đã công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia ở cả cấp Trung ương và địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông có hẳn một trang web để công bố các bài toán chuyển đổi số Việt Nam và cũng có một trang web chuyên về các giải pháp số để giải quyết các bài toán số Việt Nam. Mỗi năm chúng tôi có công bố, đánh giá, trao thưởng gọi là Vietsolutions, vốn đã triển khai được 2 năm".
Về Chương trình 1 triệu máy tính cho em, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã có 600.000 máy tính được xã hội hóa do các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tài trợ, trong đó đã tặng 500.000 máy tính cho trẻ em nghèo, khó khăn.
Về vấn đề phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay, nhân lực công nghệ thông tin khoảng 1,2 triệu, trong đó nhân lực có trình độ cao đẳng trở lên khoảng 550.000 người trong khi Việt Nam cần khoảng 3 triệu nhân lực công nghệ thông tin. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu giải pháp phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Tôi cho rằng giải pháp đột phá là thí điểm đại học số. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022 sẽ cấp 5 giấy phép về thí điểm đại học số. Hiện nay một trong những giải pháp mang tính căn bản, đột phá mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau. Tên nền tảng này là One Touch và hiện có 10 triệu người Việt Nam lên đó học tập. Một giải pháp nữa cũng mang tính đột phá là các nền tảng đào tạo số trực tuyến online để mọi người dân tự học, tự thi, hệ thống tự đánh giá".
Trước đó, đầu giờ sáng 4/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị những vấn đề còn lại chiều 3/11. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu, giải trình các vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng.