Phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp

Chia sẻ
(VOV5) -  Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sáng 14/6, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cho rằng đây là dự án luật có đối tượng tác động rộng, đa dạng, nhiều chủ thể, mang tính đặc thù trong thể chế chính trị, pháp luật của Việt Nam.

Phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp - ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Dự án Luật nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Nội dung thực hành dân chủ trong dự thảo Luật hướng tới mục tiêu, yêu cầu phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp phù hợp với tính chất của từng loại hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, cho rằng: “Nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để quyết định đó tốt hơn. Từ thực tế trên, tôi đề xuất công khai những gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân, trừ những gì thuộc về bí mật nhà nước”.

Phát huy dân chủ đại diện, mở rộng dân chủ trực tiếp - ảnh 2Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố. Hà Nội, phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Cũng trong ngày 14/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề năm 2023 về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan thuộc đối tượng giám sát.

Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Quốc hội cũng thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu