Sáng 15/12, đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của Hội nghị lần này là “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, thể hiện sự quyết tâm, tính chiến đấu của toàn ngành Ngoại giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ánh Huyền |
Thủ tướng nhấn mạnh, dù đại dịch COVID-19 đang chi phối toàn bộ hoạt động trong nước, cũng như quốc tế, tác động đến mọi mặt của đời sống, từ chính trị-ngoại giao, đến kinh tế, xã hội…, nhưng ngành ngoại giao vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đó là nắm chắc tình hình, dự báo chiến lược để kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiến hành các hoạt động đối nội, đối ngoại; Góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà đất nước đảm nhiệm tại các tổ chức quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, và Chủ tịch ASEAN 2020; Đóng góp tích cực và hiệu quả công tác ngoại giao vaccine; Triển khai hiệu quả ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế…
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, có được những thành tích nêu trên là nhờ ngành Ngoại giao đã cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật của nhà nước; đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống ngành ngoại giao, linh hoạt thích ứng với tình hình mới; có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương và bạn bè quốc tế.
Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Ánh Huyền |
Trong bối cảnh thế giới còn có nhiều biến động, đặc biệt là diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ngành ngoại giao cần xác định rõ, để đề ra những đường hướng phù hợp trong thời gian tới: "Về công tác năm 2022 và 2023, chúng ta phải dự báo được tình hình để định hình ra công tác đối ngoại cho phù hợp. Thứ nhất, cạnh tranh chiến lược rất rõ. Phải dự báo tình hình để ứng xử thế nào để hóa giải được thách thức, tận dụng được thời cơ để phát triển. Thứ hai là dịch COVID-19. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu và phải có sự đoàn kết quốc tế mới chung tay giải quyết được. Thứ ba là vấn đề biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên. Cuộc cách mạng 4.0 vừa có thách thức vừa có cơ hội, mà thách thức lớn nhất là an ninh mạng. Nhưng nếu chúng ta tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này thì cơ hội cũng là rất lớn."
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao thưởng cho một số tập thể và cá nhân ngành ngoại giao có thành tích nổi bật trong thời gian qua.
Trước đó, Hội nghị ngoại giao lần thư 31 khai mạc phiên toàn thể, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm 2018 đến nay, bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, nhiều diễn biến mới vượt khỏi dự báo, nhưng ngoại giao Việt Nam vẫn được những thành tựu to lớn: "Ngành Ngoại giao đã kiên trì nguyên tắc kiên định mục tiêu, chủ động, linh hoạt, sáng tạo khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng yếu của đối ngoại, từ đó đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện". Đó là, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống; từ đó tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chiến lược mới gắn liền với việc thực hiện khát vọng, tầm nhìn, mục tiêu, phương hướng phát triển đất nước. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế và mạng lưới quan hệ đối ngoại rộng mở có được sau 35 năm đổi mới là nền tảng vững chắc cho Việt Nam tiếp tục vươn lên, tiến cùng thời đại. Trên cơ sở đó, đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.