Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ

Chia sẻ
(VOV5) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. 

Sáng 14/12 tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Từ đầu cầu Hội trường Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Hà Nội), Hội nghị kết nối với nhiều điểm cầu tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và có bài phát biểu chỉ đạo; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị.

Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ - ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: VOV

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, qua 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy và nâng tầm được cả thế và lực nhất định, uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, đã tạo ra những tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên với GDP gần 400 tỉ USD và gần 100 triệu dân. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Ổn định chính trị - xã hội được đảm bảo. Quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường vững chắc. Đất nước hội nhập sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với hầu hết các nước có vai trò và vị trí quan trọng trên thế giới. Những kết quả và thành tựu to lớn đó có sự đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại.

Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ - ảnh 2Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VOV

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Nhìn tổng thể, đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa; Chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; Huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới”.

Các tham luận tại Hội nghị tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác đối ngoại trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; chia sẻ kinh nghiệm đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp về tăng cường hiệu quả công tác đối ngoại trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân, kinh tế đối ngoại, đối ngoại an ninh-quốc phòng, đối ngoại địa phương….  

Phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thống nhất rất cao về nhận thức và quyết tâm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo:“Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tượng, đối tác. Tăng cường hợp tác, tiếp tục tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa các nước với nước ta. Ngăn ngừa xung đột, tránh đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc. Trong đó, mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của ta phù hợp với luật pháp quốc tế”.  

Trước khi diễn ra hội nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đã tham quan Triển lãm: “Thành tựu đối ngoại Việt Nam qua các thời kỳ”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu