Mỗi bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch triển khai chi tiết các nhiệm vụ đã đề ra

Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng yêu cầu từng bộ, địa phương phải đưa ra giải pháp cụ thể, có đối sách và giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn, mở rộng thị trường cả nội địa và xuất khẩu...

Tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ Tháng 4, chiều 4/5, Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017, trong đó có phương án và các giải pháp cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế 3 quý còn lại và cả năm 2017.

Mỗi bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch triển khai chi tiết các nhiệm vụ đã đề ra - ảnh 1 Quang cảnh họp báo sau buổi họp. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ quyết tâm phấn đấu giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6,7% và có đủ cơ sở để đạt được và phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng này, tránh ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô của đất nước. Thủ tướng yêu cầu từng bộ, địa phương phải đưa ra giải pháp cụ thể, có đối sách và giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn, mở rộng thị trường cả nội địa và xuất khẩu... Đối với ngành xây dựng, Thủ tướng yêu cầu tăng ít nhất trên 10%; phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, chú trọng đến nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội. Với du lịch, Thủ tướng mong muốn lĩnh vực kinh tế này cần phấn đấu tăng trưởng 30% so với năm 2016; phấn đấu đạt mục tiêu khách du lịch quốc tế đạt 15 triệu khách trong năm 2017. Liên quan đến nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trên 3% đi liền với nghiên cứu thị trường trong nước, xuất khẩu, tập trung xử lý vấn đề giá các mặt hàng nông sản một cách chủ động; phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu ngành ít nhất 33 tỉ USD trong năm nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mỗi bộ, ngành địa phương phải có kế hoạch triển khai chi tiết các nhiệm vụ đã đề ra đồng thời gắn với trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu