LHQ giữ vị trí quan trọng trong hợp tác đối ngoại của Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Việc trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc cách đây 45 năm (ngày 20/9/1977) là khởi đầu chặng đường lịch sử mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Hôm nay (24/10) kỷ niệm 77 năm Liên hợp quốc-tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh- ra đời. 77 năm hình thành và phát triển, Liên hợp quốc đã chứng tỏ là một tổ chức toàn cầu, đa dạng, có uy tín và quy mô rộng lớn nhất. Kể từ khi gia nhập tổ chức, Việt Nam luôn là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực trong các hoạt động của tổ chức này.

LHQ giữ vị trí quan trọng trong hợp tác đối ngoại của Việt Nam - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc tại Hà Nội (20/9/1977 – 20/9/2022). Ảnh: VOV

Việc trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc cách đây 45 năm (ngày 20/9/1977) là khởi đầu chặng đường lịch sử mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Chặng đường chứng kiến đất nước Việt Nam hồi sinh từ đổ nát của chiến tranh; đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có nền kinh tế năng động, đạt mức thu nhập trung bình với Chỉ số Phát triển con người (HDI) ở mức cao.

Việt Nam luôn là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, chủ động hội nhập, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong những năm tháng gian khó nhất, Liên hợp quốc là kênh viện trợ đa phương duy nhất giúp Việt Nam tái thiết hạ tầng kinh tế-xã hội, ổn định cuộc sống của người dân. Khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới từ năm 1986 và trong suốt quá trình phát triển sau này, Liên hợp quốc là đối tác luôn “kề vai sát cánh,” giúp đỡ Việt Nam hiệu quả về xây dựng thể chế của nền kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện các mục tiêu phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội, đưa hàng triệu người dân thoát nghèo.

LHQ giữ vị trí quan trọng trong hợp tác đối ngoại của Việt Nam - ảnh 2Bà Rana Flower, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam đứng trước chuyến hàng 811.200 liều vắc xin COVID-19 đầu tiên do COVAX hỗ trợ vào ngày 1/4/2021 tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Ảnh: UNICEF Việt Nam\Trương Việt Hùng

Đặc biệt, gần đây, trong bão xoáy COVID-19 tàn phá, chương trình COVAX đã hỗ trợ lượng vaccine lớn cho Việt Nam; mang đến niềm tin và chạm đến trái tim của mỗi người dân Việt Nam về một Liên hợp quốc thấm đượm giá trị nhân văn cao cả.

Việt Nam tự hào về nỗ lực thực hiện các sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc. Từ một nước tiếp nhận viện trợ nhân đạo, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực trụ cột của Liên hợp quốc, thực hiện có hiệu quả nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG).

Từ nước thiếu lương thực, Việt Nam ngày nay là nước xuất khẩu hàng đầu một số nông sản, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại khu vực và quốc tế. Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam, trong đó có nhiều nữ quân nhân, đã có mặt tại các Phái bộ của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và vùng Abyei.

Tại Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã thúc đẩy chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người. Việt Nam vừa vinh dự được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, hướng tới giảm phát thải bằng “0” vào 2050.

Việt Nam đang quyết tâm thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với khát vọng Việt Nam hùng cường, hướng tới trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Trên chặng đường đó, hợp tác với Liên hợp quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả của Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu