Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres - Ảnh: VOV |
Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, phát biểu tại buổi tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đang triển khai rất nhất quán theo chủ trương phát triển bền vững, phát triển bao trùm, không để một ai bị bỏ lại phía sau; hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ theo các tiêu chuẩn quốc tế và những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã cam kết, để đảm bảo khuôn khổ pháp lý hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực, có trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị LHQ tiếp tục quan tâm, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa Quốc hội Việt Nam với các hoạt động của LHQ, giữa các cơ quan của LHQ với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) cũng như các cơ chế đa phương liên quan khác, qua đó, Quốc hội Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với các hoạt động chuyên môn của các tổ chức quốc tế trên phạm vi khu vực và toàn cầu, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội có thể tăng cường trao đổi hợp tác, học hỏi kinh nghiệm về các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, LHQ tiếp tục hỗ trợ các cơ quan Quốc hội nâng cao năng lực, kỹ năng trong hoàn thiện chính sách và khuôn khổ pháp lý, giám sát triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, trong đó có lồng ghép hiệu quả các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Việt Nam luôn ủng hộ những nỗ lực của toàn cầu, nhất là của LHQ trong đề cao ưu tiên ứng phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu; đề nghị các cơ quan của Liên hợp quốc cùng với các cơ quan của Quốc hội Việt Nam tổ chức đối thoại về chuyển đổi năng lượng.
Về vấn đề biển và đại dương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 như Hiến pháp về biển và đại dương có tính toàn vẹn, phổ quát, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với các thách thức chung như khủng bố, nạn cướp biển, ô nhiễm môi trường biển, các hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực làm ảnh hưởng đến hòa bình hữu nghị, an ninh, an toàn và tự do hàng hải.
Tổng thư ký LHQ cho rằng Việt Nam là một trong những thành viên năng động, tích cực của Liên hợp quốc. Những cống hiến của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã góp phần làm khỏa lấp khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo. Việt Nam và nhân dân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của mình đã được tất cả các quốc gia tôn trọng. Đặc biệt, Liên hợp quốc coi tiếng nói của Việt Nam là tiếng nói của sự phát triển. Về biển Đông, Tổng thư ký LHQ hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam; khẳng định Liên hợp quốc luôn hỗ trợ hết sức để Việt Nam theo khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).