Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ireland, sáng qua (29/02), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Ireland Micheál Martin.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Ireland Micheál Martin đón Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại trụ sở Bộ Ngoại giao Ireland. Ảnh: TTXVN |
Thời gian tới, hai Bộ trường nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nâng cao hiệu quả hợp tác nghị viện, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, tăng cường phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác ASEAN-EU. Ông Micheál Martin mong Việt Nam sớm mở Đại sứ quán tại Ireland để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.
Về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tận dụng tối đa lợi ích do Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị phía Ireland khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực, như: chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao...
Phía Ireland khẳng định sẽ xem xét đề nghị của Việt Nam về đẩy nhanh quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam. Hai bên cũng thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác, như: an ninh-quốc phòng; giáo dục-đào tạo; mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam; nới lỏng các quy định về thị thực nhập cảnh; đồng thời, trao đổi khả năng hợp tác trong các lĩnh vực mới, như: năng lượng tái tạo, kinh tế số, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất trí ủng hộ chủ nghĩa đa phương, trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ lập trường về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.