Hướng tới đưa Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu lịch sử có uy tín của khu vực và thế giới

Vũ Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Theo Chủ tịch nước, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi học thuật, thúc đẩy các nhà sử học nghiên cứu về lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sáng 03/06, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt Đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Hướng tới đưa Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu lịch sử có uy tín của khu vực và thế giới - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: TTXVN 

Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò và những kết quả mà Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đạt được thời gian qua với những nghiên cứu khoa học lịch sử có giá trị về mặt học thuật, tư tưởng, nghiên cứu và đào tạo lịch sử. Cùng với đó, Hội cũng tham gia tích cực vào các hoạt động phản biện xã hội, góp phần bảo vệ các hệ giá trị lịch sử dân tộc, chống lại sự xuyên tạc, phá hoại của nhiều nhóm thế lực.

Thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Hội Khoa học lịch sử Việt Nam không chỉ nghiên cứu và tập trung vào lịch sử Việt Nam mà còn nghiên cứu, am hiểu sâu sắc lịch sử khu vực và thế giới. Hội cần đặt tầm nhìn phấn đấu trở thành một trung tâm nghiên cứu lịch sử có uy tín của khu vực và thế giới; xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh để có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Theo Chủ tịch nước, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi học thuật, thúc đẩy các nhà sử học nghiên cứu về lịch sử dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, Hội cần nghiên cứu các biện pháp khuyến khích học chữ Hán, chữ Nôm để khai thác sâu hơn những tư liệu lịch sử, từ đó góp phần đấu tranh bảo vệ lợi ích, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam từ những nghiên cứu, bằng chứng lịch sử có giá trị. Ngoài ra, Hội cũng cần chú trọng bồi dưỡng và phát triển đội ngũ sử học kế cận: “Đảng và Nhà nước rất coi trọng lịch sử dân tộc gắn liền với việc bảo tồn các di sản, công trình lịch sử, văn hóa. Trong đó có việc quan tâm đến nghiên cứu, giáo dục lịch sử.

Một thực tế hiển nhiên là hiểu sâu sắc lịch sử dân tộc có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi mong muốn Hội tiếp tục có những đề xuất cụ thể với các cơ quan chức năng Nhà nước để có một bộ sách về lịch sử dễ hiểu, dễ nhớ, hấp dẫn, nhất là với lớp trẻ”.                                                                       

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu