Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trọng tâm, nền tảng và động lực cho hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Chia sẻ
(VOV5) - Chuyến thăm cho thấy hai bên đều rất coi trọng nhau trong chính sách đối ngoại của mình và trong chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Trong 2 ngày, Chủ nhật và thứ 2 tuần tới (10-11/9), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Trả lời phỏng vấn của Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết: Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam là lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập Quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023). Cũng là lần đầu tiên, Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ cùng thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ. Đây cũng là sự tiếp nối truyền thống gần 30 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó các đời Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đều thăm Việt Nam.
Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh: "Chuyến thăm cho thấy hai bên đều rất coi trọng nhau trong chính sách đối ngoại của mình và trong chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đối với Hoa Kỳ, chuyến thăm thể hiện Hoa Kỳ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo Việt Nam. Đây cũng là cột mốc rất quan trọng trên hành trình nỗ lực chung của hai nước để hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bức thư tháng 2/1946 gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, đó là: Việt Nam có quan hệ hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ."

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là trọng tâm, nền tảng và động lực cho hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ - ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh: VOV

Về những lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian tới, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết: Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư chiếm ưu tiên cao và là trọng tâm, nền tảng, đồng thời là động lực cho hợp tác chung trong quan hệ hai nước. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá. Hai nước sẽ tập trung vào việc tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, hay ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đồng thời, chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, y tế, dược phẩm cũng sẽ được chú trọng. Lĩnh vực tiếp theo là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đây là điểm sáng, có thể nói là hình mẫu trong hợp tác của hai nước. Bên cạnh đó, hai nước cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đào tạo quân y, cứu trợ cứu nạn, nâng cao năng lực hàng hải và hàng không.
Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, hai nước cũng sẽ tăng cường phối hợp, trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc và đặc biệt phối hợp với nhau để cùng xử lý các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh y tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu