Trước đó, ngày 2/8, tại Phnom Penh, diễn ra Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Đây là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Nguồn: baoquocte.vn |
Tại Hội nghị Ủy ban SEANWFZ, các nước tiếp tục cam kết đẩy mạnh thực thi Hiệp ước SEANWFZ, ghi nhận các kết quả đạt được trong triển khai Kế hoạch Hành động tăng cường thực thi SEANWFZ giai đoạn 2018-2022, nổi lên là hợp tác nâng cao năng lực ứng phó các sự cố phóng xạ, hạt nhân, trong đó có thành lập các nhóm công tác về ứng phó khẩn cấp, quan trắc phóng xạ, đánh giá nguy cơ phát tán phóng xạ, an ninh phóng xạ và thông tin liên lạc trong tình huống khẩn cấp…; và nhất trí gia hạn kế hoạch hành động cho giai đoạn 2022-2026.
Các nước hoan nghênh hợp tác giữa Mạng lưới Các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử ASEAN (ASEAN TOM) với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích dân sự. Các nước cũng nhất trí tăng cường tham vấn, thúc đẩy các nước sở hữu vũ khí hạt nhân ký kết Nghị định thư SEANWFZ.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định giá trị của hiệp ước trong bối cảnh bất ổn và phức tạp hiện nay, đề nghị ASEAN đề cao vai trò và giá trị của SEANWFZ, đóng góp vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân. Bộ trưởng cũng đề nghị nỗ lực tìm giải pháp cho việc ký kết Nghị định thư SEANWFZ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith. Tại đây, hai Bộ trưởng nhất trí triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước giai đoạn 2021-2025, trong đó có các cơ chế như Tham vấn chính trị Thứ trưởng Ngoại giao, giao lưu nữ công, trao đổi kinh nghiệm về ngoại giao kinh tế...; tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, giữ vững đoàn kết và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.
Bên lề các Hội nghị, Hội nghị các Quan chức cao cấp Những người bạn của Mekong (FOM) đã được tổ chức với sự tham dự của đại diện các nước Mekong cùng các đối tác phát triển. Hội nghị ghi nhận cam kết hỗ trợ lâu dài của các đối tác với tiểu vùng; phát triển nguồn nhân lực, kết nối, an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý bền vững nguồn nước xuyên biên giới, phục hồi kinh tế, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng sạch cần là trọng tâm hợp tác.
Đoàn Việt Nam đề xuất ưu tiên triển khai các dự án liên kết vùng, trong đó có hậu cần, giao thông. Việt Nam cũng cho rằng cần chú ý tăng trưởng xanh, tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý bền vững tài nguyên nước; triển khai cácchương trình nâng cao năng lực về quản lý kinh tế vĩ mô, đổi mới sáng tạo và phát triển khởi nghiệp, khoa học đời sống và công nghệ cao.