Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, ngày càng nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế lên tiếng kêu gọi tăng cường nỗ lực kiểm soát, hạn chế và tiến tới loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Toàn cảnh Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ở New York, Mỹ, ngày 1/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vì thế, Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10 khai mạc ngày 1/8 tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), được kỳ vọng sẽ đạt được bước tiến lớn trong hành trình phi hạt nhân hóa trên phạm vi toàn cầu.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được ký năm 1968 và có hiệu lực vào năm 1970. Mục tiêu của Hiệp ước là ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Đến thời điểm này, NPT đã được 190 quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua, phản ánh mong muốn chung của đại đa số các quốc gia về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Nguy cơ chiến tranh hạt nhân
Hội nghị đánh giá NPT lần thứ 10 được tổ chức trong bối cảnh ngày càng nhiều cảnh báo về nguy cơ chiến tranh hạt nhân được đưa ra. Ngay trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng chỉ rõ, thế giới phải đối mặt với "một mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng thấy kể từ thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh lạnh" và "chỉ cần một tính toán sai lầm cũng sẽ dẫn tới huỷ diệt hạt nhân".
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres phát biểu tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ở New York, Mỹ, ngày 1/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định Hội nghị lần này chính là "cơ hội để củng cố Hiệp ước NPT” và "làm cho hiệp ước này phù hợp với thế giới bất ổn hiện nay", đồng thời viện dẫn cuộc xung đột Nga-Ukraine, tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và cục diện bất ổn ở Trung Đông.
Trước đó, phát biểu với báo giới trước khi tới New York dự Hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng cảnh báo rằng, động lực toàn cầu để hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân đang suy giảm đáng kể.
Về phần mình, trong bức thư gửi các bên tham gia Hội nghị NPT lần thứ 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang tồn tại và điều đó cần phải được loại trừ. Tổng thống Nga khẳng định không thể có bên chiến thắng trong cuộc chiến tranh hạt nhân và một cuộc chiến tranh như vậy không bao giờ được phép xảy ra. Là một quốc gia thành viên tham gia Hiệp ước NPT và là một trong những quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân, Nga luôn tuân thủ chính sách và tinh thần của Hiệp ước.
Chung tay hành động vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân
Để loại trừ nguy cơ chiến tranh hạt nhân và tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề xuất 5 lĩnh vực hành động gồm: củng cố Hiệp ước NPT; loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân; giải quyết căng thẳng tại khu vực Trung Đông và châu Á; thúc đẩy sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, qua đó góp phần triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và thực hiện các cam kết của Hiệp ước chưa được hoàn thành.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố và tuân thủ NPT bởi Hiệp ước này đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng của hệ thống an ninh quốc tế và ổn định chiến lược trong hơn nửa thế kỷ tồn tại. NPT nêu ra các nghĩa vụ liên quan tới không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, đáp ứng lợi ích của các cường quốc hạt nhân lẫn những nước không sở hữu vũ khí này. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cam kết sẽ tìm cách tiếp thêm động lực cho nỗ lực toàn cầu hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Với tư cách là một quốc gia ký kết NPT từ sớm, Việt Nam luôn thể hiện quan điểm nhất quán là phải loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Phát biểu tại Hội nghị đánh giá NPT lần thứ 10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy cân bằng cả 3 trụ cột của Hiệp ước là không phổ biến vũ khí hạt nhân, kêu gọi các quốc gia loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh quyền của các quốc gia sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Thứ trưởng cho rằng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm chính trong việc thúc đẩy giải trừ kho vũ khí này; khẳng định Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm các nghĩa vụ quốc gia trong khuôn khổ Hiệp ước NPT cũng như các cam kết quốc tế quan trọng khác trong lĩnh vực này, trong đó có việc thúc đẩy Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần vào việc duy trì hòa bình khu vực và quốc tế.