Giáo sư Hứa Lợi Bình (Xu Liping), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Trưởng phòng nghiên cứu văn hóa-xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á – Thái Bình Dương (CASS), thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, dự báo hội nghị thượng đỉnh lần này hứa hẹn sẽ đạt được bước đột phá trong nhiều lĩnh vực.
Giáo sư Hứa Lợi Bình phân tích: thứ nhất, trên phương diện ngoại giao, Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ thiết lập các cơ quan liên lạc. Thứ hai, Mỹ sẽ gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đối với Triều Tiên, nhiều khả năng là một số biện pháp mang tính tượng trưng. Tiếp đến, theo Giáo sư Hứa Lợi Bình, giữa hai bên có thể đạt được thỏa thuận cụ thể về việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoặc xây dựng cơ chế hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, khả năng Mỹ dỡ bỏ cấm vận Triều Tiên sau hội nghị này là không cao.
Trong khi đó, Giáo sư Faisal Ahmed, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề kinh tế - địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Đại học Quản trị FORE (New Delhi), bày tỏ lạc quan về kết quả hội nghị.
Theo Giáo sư Faisal Ahmed, về phía Triều Tiên, hiện nước này đang hướng đến một tiến trình công nghiệp hóa, tìm kiếm đầu tư của nước ngoài. Do đó, một kết quả tiềm tàng nữa của hội nghị lần hai có thể là việc hai bên nhất trí về một lộ trình phát triển kinh tế và đầu tư song phương. Lộ trình này sẽ quy định về cách thức dỡ bỏ trừng phạt, cung cấp viện trợ và đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. Ông Faisal Ahmed dự báo những kết quả thực chất tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai sẽ góp phần đáng kể vào việc làm giảm căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc nói riêng và trong khu vực nói chung.