Ngày 26/02, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nhân chuyến thăm tới Việt Nam dự Cuộc gặp Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai từ ngày 27 - 28/02.
: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại trụ sở Bộ Ngoại giao chiều 26/2. - Ảnh: VOV |
Tại hội đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao việc Hoa Kỳ và Triều Tiên lựa chọn Việt Nam là địa điểm cho cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai; bày tỏ hy vọng cuộc gặp sẽ diễn ra thành công. Về phần mình, Ngoại trưởng Mike Pompeo cảm ơn và đánh giá cao Việt Nam cung cấp địa điểm cho cuộc gặp Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, đồng thời mong muốn Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Trao đổi về quan hệ song phương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam –Hoa Kỳ; đồng thời nhấn mạnh hai nước cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác như rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam…
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Hai bên nhất trí ưu tiên thúc đẩy trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao trong năm 2019, hướng tới kỷ niệm 25 thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020; tiếp tục coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; tăng cường quan hệ giáo dục – đào tạo, giao lưu nhân dân.
Về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của Hoa Kỳ trong hợp tác Sáng kiến LMI; đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC).