Ngày 13/7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với tân Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin. Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Nguồn: TTXVN |
chú trọng thúc đẩy hợp tác thực chất lĩnh vực quốc phòng, an ninh và các cơ chế hợp tác song phương và đa phương; triển khai các biện pháp hữu hiệu để hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, trong đó tăng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc.
Hai Bộ trưởng cũng nhất trí khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn song song với chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác về y tế, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong đó có dịch COVID-19.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định sẵn sàng phối hợp với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc để đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược hai nước phát triển lên tầm cao mới; đề nghị Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục duy trì và tăng những khoản vay lớn với điều kiện ưu đãi cho Việt Nam; tăng cường quan tâm, hỗ trợ công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng Park Jin khẳng định Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới; đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là hỗ trợ các tổ chức tài chính, ngân hàng Hàn Quốc mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gi Đông Nam Á (ASEAN) - Hàn Quốc, Mekong-Hàn Quốc; phối hợp cùng Việt Nam triển khai thành công vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – Hàn Quốc (2021-2024); duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển ở khu vực Biển Đông, tiếp tục ủng hộ việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, tôn trọng lợi ích của các bên liên quan trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.