Nội dung dự án Luật được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật được kết cấu thành 16 chương và 209 điều.
Một số vấn đề tiếp tục được xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 gồm: phạm vi điều chỉnh; giám sát việc thi hành án hình sự; về những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự; quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; thi hành án tử hình...
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga - Ảnh: quochoi.vn
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Vấn đề quyền, nghĩa vụ của phạm nhân được nhiều đại biểu quan tâm và đóng góp ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến đề nghị cho phép phạm nhân được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo bà Nga: "UBTVQH nhận thấy quy định cho phép phạm nhân được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội là chính sách thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước. Đây cũng là giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người bị kết án tù, nhất là đối với những phạm nhân đã có thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Về chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hiện đang được thực hiện theo quy định của văn bản dưới luật, trường hợp không cho phép một số đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ này thì Chính phủ xem xét, sửa đổi phù hợp".
Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động. Ông Nguyễn Văn Hiển, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Việc tổ chức cho phạm nhân lao động khổng chỉ nhằm mục tiêu giáo dục cải tạo, dạy nghề mà tiền công lao động giúp phạm nhân cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập. Để bảo đảm thực hiện đúng mục đích của giáo dục phạm nhân thông qua hoạt động lao động sản xuất, và đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động quản lý và giáo dục phạm nhân, tôi đề nghị quy định rõ phần trăm chi trả cho phạm nhân. Việc xác định rõ số tiền mà phạm nhận được hưởng từ thành quả lao động của chính mình có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyến khích, động viên phạm nhân tích cực trong lao động, cải tạo. Sau khi chấp hành xong hình phạt thì có thể tích lũy được một phần tài chính để tạo lập cuộc sống tốt hơn.
Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự cần bảo đảm được tính khả thi, sự thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung, đặc biệt phải đáp ứng được yêu cầu triển khai thi hành ngay và thống nhất trong áp dụng.