Sáng 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và thảo luận về dự án luật này.
Ảnh: quochoi.vn |
Luật Giáo dục (sửa đổi) là dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân nên nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của cử tri và nhân dân. Dự án Luật được Quốc hội thảo luận tại 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và thứ 6); được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân một cách rộng rãi. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chuyên gia tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tổ chức vào tháng 4 năm 2019. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 10 chương, 119 điều, trong đó một số nội dung cơ bản đã được tiếp thu chỉnh lý, như về triết lý giáo dục; quy định hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; vấn đề đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục. Về vấn đề Luật quy định giáo dục bắt buộc dành cho bậc học tiểu học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết: UBTVQH cho rằng chính sách không thu học phí cho nhóm đối tượng trẻ em mầm non 5 tuổi. sinh tiêu học đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục bắt buộc và giáo dục phổ cập. Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi của chính sách trên, dự thảo luật đã quy định: Học sinh tiêu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí. Trẻ em mầm non 5 tuổi ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, hải đảo được miễn học phí.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo. Ảnh: VOV
|
Thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), các đại biểu đề nghị giáo viên mầm non phải thực sự quy chuẩn bởi giáo viên mầm non cần có kĩ năng chăm sóc, tình yêu thương với trẻ em và phải có vị trí nhất định trong hệ thống giáo dục, trong hệ thống cán bộ công chức của ngành giáo dục. Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho rằng: Khi so sánh trình độ của đội ngũ giáo viên mầm non với nhiều quốc gia trên thế giới, phần lớn các nước phát triển yêu cầu giáo viên mầm non phải có trình độ Đại học, sau đại học. Đặc biệt ở một số quốc gia, sinh viên Sư phạm trước khi đi thực tập, ngoài yêu cầu về trình độ phải được các cơ quan có thẩm quyền xã nhận đáp ứng đủ điều kiện làm việc với trẻ em thì mới được tiếp xúc với trẻ. Do đó vấn đề nâng chuẩn với giáo viên mầm non là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, cũng như đảm bảo mặt bằng chung tương đương với khu vực và thế giới.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc và thảo luận về dự án Luật này.