Sáng 9/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VOV |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với đất nước.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: “Tôi đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, chính xác, cụ thể những kết quả đã làm được, những tồn tại, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng, quốc phòng, an ninh. Từ đó chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt hiện nay của Vùng và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của Vùng. Đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả; các kiến nghị cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển vùng và phù hợp với tình hình thực tiễn”.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 6 tỉnh, thành phố của vùng Đông Nam Bộ là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh và 2 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long là Long An và Tiền Giang. Vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là đầu mối giao thương, kết nối trong nước và quốc tế thông qua hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, đặc biệt là tuyến đường bộ xuyên Á và tuyến đường biển nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.