Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội báo cáo công tác nhiệm kỳ

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) -  5 năm qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội triển khai khối lượng lớn công việc góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
(VOV5) -  5 năm qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội triển khai khối lượng lớn công việc góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.


Trong ngày làm việc hôm nay, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII nghe một loạt báo cáo nhiệm kỳ 5 năm của các vị lãnh đạo cấp cao, trong đó có báo cáo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội báo cáo công tác nhiệm kỳ  - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP

Báo cáo nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày khẳng định 5 năm qua, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội triển khai khối lượng lớn công việc góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Về chức năng lập hiến, lập pháp, Quốc hội đã đạt được kết quả nổi bật, hết sức quan trọng, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống. Cùng với việc thông qua Hiến pháp 2013, Quốc hội khóa XIII đã xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hầu hết các bộ luật lớn, các đạo luật quan trọng, cơ bản hoàn thành hệ thống pháp lý về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế thị trường, luật pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền tự do dân chủ của Nhân dân.

Quốc hội khóa XIII cũng để lại dấu ấn trong thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước khi ban hành nhiều nghị quyết quan trọng quyết định việc phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: “Trong điều kiện kinh tế khó khăn, Quốc hội đã có nhiều quyết sách đồng bộ để ứng phó kịp thời; thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa thận trọng, linh hoạt; quyết liệt bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi và tạo đà tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều quyết sách giải quyết kịp thời những bức xúc từ cuộc sống như: công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; dành ngân sách hỗ trợ đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo; tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn”.

Hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đã đánh dấu một mốc lịch sử khi lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy nhà nước từ TW đến đia phương. Qua giám sát, nhiều hạn chế, yếu kém trong quản lý của các cấp, các ngành được phát hiện xử lý và kiến nghị xử lý, tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước”.

Báo cáo trước Quốc hội về nhiệm kỳ  5 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điểm lại những thành quả mà Chính phủ đã đạt được trong quản lý phát triển kinh tế-xã hội, kiện toàn hệ thống bộ máy hành chính nhà nước, hội nhập quốc tế... Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiến nghị với Đảng, Quốc hội nhiều quyết sách quan trọng về đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là Luật Biển Việt Nam và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Tập trung chỉ đạo nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Về một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng:Phải sáng tạo trong tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân làm mục tiêu cao nhất; tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nhanh và bền vững. Phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết thống nhất. Trong điều kiện khó khăn, càng phải tăng cường bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của người dân. Tăng cường quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Báo cáo nhấn mạnh các nội dung về lập pháp, hành pháp, tư pháp, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu