Chính phủ quyết liệt điều hành giảm áp lực lạm phát

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Thị trường chứng khoán vẫn là một kênh huy động vốn trung, dài hạn tốt trong thời gian tới. 
Chính phủ quyết liệt điều hành giảm áp lực lạm phát - ảnh 1Phiên thảo luận toàn thể về kinh tế - xã hội trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sáng 2/6 - Ảnh: quochoi.vn

Phiên thảo luận toàn thể về kinh tế - xã hội trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã kết thúc sáng nay, sau 1,5 ngày làm việc. Hơn 70 ý kiến phát biểu tại nghị trường đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã làm rõ các vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Cập nhật tiến độ thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết một phần của gói hỗ trợ này chi cho mua vaccine và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, do đó việc sử dụng phần còn lại của gói hỗ trợ này tùy theo tình hình sắp tới.

Về miễn, giảm thuế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15 quy định giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%, thực hiện trong năm 2022. Chính sách này đã làm rất nhanh và hiện vẫn đang triển khai. Một phần của gói hỗ trợ là chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách với 5 chương trình. Cơ bản các cơ chế, chính sách đã xây dựng xong và đến thời điểm hiện nay đã giải ngân được gần 1/3 gói hỗ trợ này.

Đối với tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các địa phương thống nhất số liệu để giải ngân gói này càng sớm càng tốt. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ tin tưởng những kết quả đạt được là tiền đề rất quan trọng để gói hỗ trợ được thực hiện tốt trong thời gian tới.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tuy nền kinh tế đang hồi phục cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Áp lực điều hành và thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm dưới 4% là rất lớn, do các yếu tố bên trong và bên ngoài của nền kinh tế. Đó là giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao do xung đột Nga và Ukraine làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu dùng.

Chính phủ quyết liệt điều hành giảm áp lực lạm phát - ảnh 2Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

Theo Bộ trưởng: "Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp, công cụ thuộc thẩm quyền để bảo đảm cung - cầu, kiểm soát lạm phát, đồng thời cũng nghiên cứu các giải pháp về giảm thuế, phí báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để giảm áp lực tăng giá xăng dầu, tránh tác động tăng giá dây chuyền, hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc tăng giá".

Trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định thị trường chứng khoán vẫn là một kênh huy động vốn trung, dài hạn tốt trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần phải tái cơ cấu và tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước để tạo ra những sản phẩm và nâng cao được mức thu nhập của người dân, doanh nghiệp nhằm kiểm soát lạm phát.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu