Nghị định 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu

Chia sẻ
(VOV5) - Nghị định này sẽ bãi bỏ hiệu lực của một số văn bản và quy định liên quan đến đấu thầu, mua sắm tập trung.

Ngày 27/02/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định 24). Nghị định này sẽ bãi bỏ hiệu lực của một số văn bản và quy định liên quan đến đấu thầu, mua sắm tập trung, trong đó bao gồm Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (Nghị định 63).

Luật sư Hải Linh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và Cộng sự nêu một số quy định mới của Nghị định 24 có khả năng ảnh hưởng đến doanh nghiệp như sau:

Nghe âm thanh tại đây:
 

Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.

Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941

 Website:www.nhquang.com

 

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi trong đấu thầu. Trước đây, Nghị định 63 chỉ quy định việc ưu đãi trong 03 trường hợp là (i) ưu đãi với đấu thầu quốc tế, (ii) ưu đãi với hàng hoá trong nước và (iii) ưu đãi đối với đấu thầu trong nước. Hiện nay, Nghị định 24 đã bổ sung thêm các trường hợp ưu đãi, bao gồm: (i) Ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước, (ii) Ưu đãi đối với nhà thầu trong nước sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, và (iii) Ưu đãi đối với sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận nhãn sinh thái, nhãn năng lượng và tương đương. Với mỗi trường hợp được hưởng ưu đãi, Nghị định 24 bổ sung/quy định cụ thể về điều kiện hưởng ưu đãi, hình thức ưu đãi cũng như phương pháp xác định ưu đãi. Ví dụ, khi chào thầu sản phẩm đổi mới sáng tạo đáp ứng một trong các điều kiện hưởng ưu đãi cho hàng hoá có xuất xứ Việt Nam, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước sẽ không phải đáp ứng yêu cầu về doanh thu, số năm hoạt động trong cùng ngành nghề trong thời hạn 06 năm kể từ khi sản phẩm lần đầu được sản xuất và đủ điều kiện để đưa ra thị trường.

Thứ hai, bổ sung thêm quy định mới về lựa chọn nhà thầu qua mạng. So với Nghị định 63, Nghị định 24 bổ sung 02 quy định là (i) chào giá trực tuyến và (ii) mua sắm trực tuyến, cụ thể:

- Chào giá trực tuyến: Đây là một quá trình lặp lại nhiều lần việc nhà thầu sử dụng phương tiện điện tử để đưa ra mức giá mới hoặc giá trị mới cho yếu tố ngoài giá có thể định lượng được theo các tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu để làm cơ sở cho việc xếp hạng hoặc xếp hạng lại hồ sơ dự thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Tuỳ từng trường hợp, chào giá trực tuyến có thể được thực hiện theo quy trình thông thường và quy trình rút gọn.

- Mua sắm trực tuyến: Đây là việc mua trực tiếp hàng hóa, dịch vụ trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ nhà thầu đã trúng thầu gói thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó thông qua mua sắm tập trung. Việc mua sắm trực tuyến phải được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ của gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu không quá 100 triệu đồng; gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công có giá gói thầu không quá 01 tỷ đồng.

Thứ ba, quy định các trường hợp thay đổi giá hợp đồng, khối lượng và các nội dung khác trong hợp đồng mà không phải sửa đổi hợp đồng, không phải ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng (khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 5, Điều 70, Luật Đấu thầu 2023), bao gồm:

- Điều chỉnh giá hợp đồng do lạm phát, giảm phát đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, hợp đồng theo thời gian, hợp đồng theo kết quả đầu ra (nếu có) theo khoản 2 và khoản 3 Điều 107 của Nghị định 24;

- Tăng, giảm khối lượng đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh; đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, phi tư vấn áp dụng hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh, việc bổ sung khối lượng thuộc tùy chọn mua thêm áp dụng sửa đổi hợp đồng theo điểm d, khoản 2, Điều 106, Nghị định 24;

- Tăng, giảm thời gian đối với hợp đồng theo thời gian; tăng, giảm chi phí trực tiếp thực hiện đối với hợp đồng chi phí cộng phí; tăng, giảm giá trị cơ sở để tính phần trăm chi phí đối với hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm; tăng, giảm mức giảm trừ thanh toán, mức tăng giá trị thanh toán đối với hợp đồng theo kết quả đầu ra;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên.

Cũng cần lưu ý rằng trong trường hợp việc thay đổi các nội dung này dẫn đến không đáp ứng được một hoặc các điều kiện để thay đổi giá hợp đồng, khối lượng và nội dung khác đã được quy định trong hợp đồng mà không phải ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng thì phải báo cáo người có thẩm quyền cho phép sửa đổi hợp đồng.

MỘT SỐ BÌNH LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Nghị định 24 có hiệu lực thi hành từ ngày 27/02/2024. Các doanh nghiệp và cá nhân cần nghiên cứu và cập nhật các quy định của Nghị định này nhằm áp dụng phù hợp trong quá trình tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Cần lưu ý, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đã phát hành trước 01/01/2024 được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu 2013; Nghị định 63, Nghị định 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/04/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu 2013 và các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu