Ngày 18/3 vừa qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có chuyến thăm lịch sử tới Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Bởi lẽ, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Syria đến một quốc gia Arab và Vùng Vịnh trong hơn 10 năm qua, kể từ sau Syria rơi vào nội chiến và mất tư cách thành viên Liên đoàn các quốc gia Arab năm 2011. Với ý nghĩa đặc biệt đó, chuyến thăm được coi là bước chuyến biến tích cực, đánh dấu sự hội nhập trở lại của Syria với khu vực và cộng đồng thế giới, đồng thời lan tỏa xu thế hòa giải đang dần được hình thành tại Trung Đông.
Tổng thống Syria bất ngờ thăm UAE - Ảnh: Văn phòng Tổng thống Syria |
Chuyến thăm UAE của Tổng thống Syria Bashar al-Assad diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt. Cuộc nội chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 11 và tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc chưa mang lại kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của Nga và một số đồng minh, Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ngày càng thắng thế, kiểm soát phần lớn các khu vực chiến lược của đất nước, đồng thời tích cực kết nối với cộng đồng thế giới, từng bước phá thế bị cô lập kéo dài trong nhiều năm qua. Trong khi đó, UAE đang cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc kết nối và hòa giải giữa các cựu thù trong khu vực.
Syria phá thế cô lập
Chịu tác động từ hiệu ứng “Mùa xuân A rập”, Syria rơi vào cuộc nội chiến đẫm máu đầu năm 2011 và bị Liên đoàn Arab đình chỉ tư cách thành viên sau đó ít tháng. Chưa dừng lại ở đó, Syria còn chịu sự cô lập của các quốc gia láng giềng khi nhiều nước Arab đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, trong đó UAE cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria tháng 2/2012.
Thế nhưng, sau nhiều năm kiên cường nỗ lực đấu tranh, Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã từng bước khôi phục quyền kiểm soát đất nước, đồng thời đạt nhiều tiến triển quan trọng trong việc phá vỡ thế bao vây, cô lập. Tháng 12/2018, UAE đã mở lại Đại sứ quán tại Damascus. Gần 3 năm sau đó, tháng 11/2021, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed Al-Nahyan tiến hành chuyến thăm chính thức đến Damascus và hội đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, UAE không phải là quốc gia Arab duy nhất mở cánh cửa ngoại giao và tái lập liên lạc với Syria. Trước đó, tháng 10/2021, Quốc vương Jordan Abdullah II cũng đã lần đầu tiên tiến hành điện đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ sau khi nội chiến Syria bùng phát.
Tổng thống Bashar al-Assad của Syria (trái) gặp Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan của Abu Dhabi ngày 18/3 tại Abu Dhabi - Ảnh: Reuters |
Những thành quả đối ngoại của Syria không chỉ tiếp thêm động lực cho nỗ lực xây dựng Hiến pháp mới và tái lập hòa bình tại nước này, mà còn tích cực lan tỏa tinh thần hòa hợp, hòa giải tới toàn khu vực. Phát biểu sau cuộc hội đàm tại Abu Dhabi với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Thái tử kế vị Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed Al-Nahyan bày tỏ hy vọng “Chuyến thăm của Tổng thống al-Assad sẽ dọn đường cho tinh thần hào hiệp, hòa bình và ổn định lan tỏa khắp Syria và toàn bộ khu vực".
Bước chuyển biến quan trọng trong cục diện địa chính trị và sự lan tỏa tinh thần hòa giải tại Trung Đông
Theo các nhà phân tích khu vực và quốc tế, sự cải thiện quan hệ quan trọng giữa Syria và các quốc gia Arab trong bối cảnh tình hình địa chính trị khu vực và thế giới đầy phức tạp như hiện nay, mang những thông điệp đáng chú ý.
Thứ nhất, đó là sự khẳng định và tiếp nối xu thế hòa hợp, hòa giải đang được hình thành những năm qua tại Trung Đông. Điển hình là việc Israel đã ký kết thêm 3 thỏa thuận hòa bình với 3 nước A rập, trong đó có UAE (năm 2020); tình trạng căng thẳng kéo dài nhiều năm trong quan hệ giữa Qatar và 5 nước A rập (từ 2017-2020) được hóa giải; xu thế giảm đối đầu và tăng cường đối thoại giữa Iran và một số nước Arab, đứng đầu là Saudi Arabia, ngày càng được củng cố.
Thứ hai, nó thể hiện thông điệp về sự tự chủ và quyền tự quyết cao hơn của các quốc gia Trung Đông đối với các vấn đề của khu vực, từng bước thoát ly khỏi sự chi phối và ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài. Sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng UAE và Tổng thống Syria tại Damascus tháng 11/2021, Chính quyền Mỹ đã lập tức lên tiếng cảnh báo, đồng thời khẳng định Washington không có bất kỳ sự ủng hộ nào đối với nỗ lực bình thường hóa hoặc tái công nhận Tổng thống Bashar al-Assad. Vậy nhưng, UAE và các nước Arab vẫn không ngừng mở rộng cánh cửa đối thoại với Syria, củng cố thêm xu thế hòa hợp, hòa giải trong khu vực.
Với những gì đã và đang diễn ra, có thể thấy, cục diện địa chính trị toàn khu vực Trung Đông đang có sự chuyển biến căn bản và sâu sắc. Trong đó, xu thế hòa bình và hòa giải đang được củng cố một cách tích cực, mở rộng cơ hội giải quyết không chỉ cuộc nội chiến tại Syria, mà còn với hàng loạt vấn đề mang tính lịch sử khác, đứng đầu là cuộc xung đột dai dẳng kéo dài nhiều thập niên qua giữa Israel và thế giới Arab.