Trước tình hình xung đột vũ trang ngày càng leo thang nghiêm trọng giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine thời gian qua, cộng đồng thế giới đang nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng, ngăn chặn xung đột leo thang.
Sau hơn một tuần bùng phát, đến nay, các cuộc giao tranh qua biên giới giữa Israel và Hamas ở dải Gaza đã khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ, cùng hàng nghìn người bị thương, nhiều nhà cửa và công trình hạ tầng bị phá hủy. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 16/5 nhấn mạnh tình trạng bạo lực tại Gaza tuần qua là "cực kỳ kinh hoàng", cảnh báo rằng xung đột có thể đẩy khu vực vào một cuộc khủng hoảng không thể kiềm soát được. Trước thực tế này, cộng đồng quốc tế đã tích cực tiến hành nhiều nỗ lực để chấm dứt xung đột.
Khói và lửa bốc lên trên một tòa nhà trong cuộc không kích của Israel ở thành phố Gaza hôm 17/5. Ảnh: AFP. |
Nỗ lực chấm dứt xung đột
Ngày Tổng thư ký Liên hợp quốc đưa ra lời cảnh báo (16/5) cũng là ngày Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tổ chức cuộc họp thứ 3 liên tiếp trong vòng một tuần qua để tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột. Các phát biểu trong cuộc họp này cũng như trong các cuộc họp trước đó, đều đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải lập tức chấm dứt đổ máu giữa hai bên. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với những người đồng cấp của Qatar, Ai Cập, Saudi Arabia để tìm giải pháp chấm dứt bạo lực giữa Palestine và Israel. Tại đây, các bên khẳng định sẵn sàng hợp tác nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức.
Một ngày sau đó, hôm 17/5, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục khẳng định Washington sẽ nỗ lực hết sức nhằm chấm dứt vòng xoáy bạo lực hiện nay, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm một lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, 28 thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ ra tuyên bố kêu gọi quân đội Israel và lực lượng Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn.
Từ ngày 10/5 đến nay, Isreal đã thực hiện 950 cuộc tấn công vào Gaza. Ảnh: AP. |
Từ châu Âu, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 16/5 đã đề xuất ý tưởng 3 bước nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột có nguy cơ bùng phát diện rộng này, bao gồm ngừng tấn công bằng tên lửa; chấm dứt bạo lực; và trở lại đàm phán về các bước cụ thể nhằm xây dựng lòng tin giữa Israel-Palestine và về giải pháp hai nhà nước. Theo kế hoạch, ngày 18/5, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp khẩn trực tuyến bàn giải pháp chấm dứt bạo lực tại Trung Đông. Trong khi đó, tại cuộc hội đàm ngày 17/5 ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi khẳng định tiếp tục phối hợp các nỗ lực hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn nhằm ngăn chặn xung đột gia tăng. Về phần mình, với tư cách một bên trong nhóm Bộ tứ Trung Đông (gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga), nước Nga đã kêu gọi Bộ tứ Trung Đông lập tức hành động để chấm dứt xung đột.
Trước các nỗ lực này, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn giữa quân đội Israel và các lực lượng tại Dải Gaza hồi tuần trước. Theo đó, một phái đoàn Ai Cập đã gặp các quan chức của Israel và Hamas. Tại đây, Ai Cập đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một năm giữa hai bên do Cairo giám sát và điều phối.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thách thức và triển vọng
Đáng tiếc, cho đến thời điểm này, các nỗ lực nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giữa người Palestine và quân đội Israel vẫn chưa đạt kết quả. Cho đến đêm 17/5 (giờ khu vực), các cuộc giao tranh xuyên biên giới giữa hai bên vẫn được ghi nhận diễn ra với mức độ ác liệt. Đáng lo ngại hơn, xung đột giữa Palestine và Israel giờ đây đã mở rộng sang cả Lebanon, quốc gia có Phong trào Hồi giáo Hezbollah luôn coi Israel là “kẻ thù không đội trời chung” và nhiều lần tuyên bố sát cánh cùng Hamas. Theo đó, đêm 17/5, quân đội Israel đã pháo kích vào khu vực miền Nam Lebanon để đáp trả một vụ phóng 6 quả rocket từ miền Nam Lebanon hướng về phía Israel nhưng đã rơi trong lãnh thổ Lebanon.
Theo giới phân tích, sở dĩ các nỗ lực quốc tế đến nay vẫn chưa mang lại kết quả là vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, các vấn đề lịch sử phức tạp cùng mối thù hận sâu sắc kéo dài giữa hai bên là rào cản khó vượt qua nhất. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Palestine-Israel nói riêng, xung đột giữa thế giới A rập và Israel nói chung, còn chịu sự chi phối và tác động do lợi ích mỗi bên trong khu vực, cũng như sự can dự của các thế lực quốc tế. Trong khi đó, tiến trình hòa bình Palestine-Israel nhiều năm qua đã không còn nhận được sự quan tâm thỏa đáng của cộng đồng quốc tế vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc các nước dồn nguồn lực đối phó đại dịch Covid-19 hay tập trung vào các vấn đề gắn với lợi ích cốt lõi của mình.
Mặc dù vậy, dư luận vẫn tin rằng, việc ngăn chặn xung đột leo thang, vãn hồi hòa bình vẫn còn cơ hội. Bởi lẽ, các bên không thể mãi phớt lờ những lời kêu gọi ngừng bắn liên tiếp mà thế giới đưa ra, nhất là khi Hội đồng bản an Liên hợp quốc cùng nhiều cường quốc đều đã chính thức lên tiếng. Nhưng hơn hết, bản thân mỗi bên trong cuộc xung đột đều hiểu rằng, leo thang căng thẳng sẽ chỉ càng khiến chính mình chịu tổn thất nhiều hơn. Tổn thất đó không chỉ là sinh mệnh của người dân, tiềm lực nền kinh tế mà còn có cả uy tín và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.