Thuận lợi và thách thức với Tổng thống Syria trong nhiệm kỳ mới

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Thách thức lớn và bao trùm nhất nhất vẫn là khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ và phục hồi, tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Bên cạnh tiến trình hòa bình Palestine-Israel và hồ sơ hạt nhân Iran, những ngày qua, dư luận quốc tế còn dành sự quan tâm đặc biệt tới một “điểm nóng” khác tại khu vực Trung Đông là Syria, quốc gia vừa tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống với chiến thắng thuộc về đương kim Tổng thống Bashar Assad. Theo các nhà phân tích, chiến thắng của Tổng thống Assad có ý nghĩa quan trọng đối với sự củng cố các thắng lợi mà Chính quyền Syria giành được sau 11 năm nội chiến. Thế nhưng, làm thế nào để vượt qua những thách thức mà đất nước Syria đang phải đối mặt, mới là vấn đề đáng bàn luận.

Thuận lợi và thách thức với Tổng thống Syria trong nhiệm kỳ mới - ảnh 1Tổng thống Syria Bashar al-Assad (phải) trả lời phỏng vấn báo giới sau khi bỏ phiếu bầu cử tại Douma, gần Damascus ngày 26/5/2021 - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kết quả kiểm phiếu do Quốc hội Syria công bố ngày 27/5, đương kim Tổng thống Bashar Assad giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử được tổ chức hôm 26/5 với tỷ lệ ủng hộ lên tới 95%. Bên cạnh đó, dù trong tình trạng an ninh bất ổn và tác động của đại dịch Covid-19, vẫn có tới 14,2 triệu cử tri, tương đương tỷ lệ gần 77%, tham gia bỏ phiếu. So với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2014, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cũng như lượng phiếu bầu dành cho Tổng thống Assad đều tăng đáng kể. Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh đất nước Syria đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như thực trạng chia rẽ lãnh thổ và mâu thuẫn sắc tộc, tác động của đại dịch Covid-19, cục diện khu vực phức tạp hay sự can thiệp thiếu thiện chí từ bên ngoài..., thì việc nhận được sự ủng hộ của đông đảo dân chúng, được coi một thuận lợi lớn với Tổng thống Assad trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4 này.

Thuận lợi

Các nhà phân tích cho rằng, thực tế cuộc bầu cử vừa qua phản ánh tác động của hàng loạt chiến thắng trên chiến trường mà Chính quyền Tổng thống Bashar Assad đã giành được thời gian qua. Có nghĩa là, tiếp sau sự củng cố bằng sức mạnh quân sự trước các nhóm phiến quân và khủng bố, cực đoan, Chính quyền Syria còn có được sự củng cố quan trọng là niềm tin của công chúng, sự đồng thuận của người dân.

Trên mặt trận ngoại giao, Chính quyền Tổng thống Bashar Assad tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các đồng minh và đối tác quan trọng, nhất là Nga. Ngày 28/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp chúc mừng Tổng thống Al Assad tái đắc cử, nhấn mạnh kết quả bầu cử xác nhận sự tín nhiệm của người dân Syria đối với ông Assad. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ: "Lãnh đạo đương nhiệm Bashar Assad đã giành được chiến thắng quyết định. Đây là một bước quan trọng hướng tới củng cố sự ổn định ở đất nước Syria bị chiến tranh tàn phá". Đáng chú ý, một ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Syria, hôm 25/5, quân đội Nga đã điều oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3 đến căn cứ không quân Hmeimim, miền tây Syria. Bên cạnh các mục tiêu khác, việc triển khai vũ khí chiến lược này này được xem là một thông điệp về cam kết ủng hộ mạnh mẽ của Nga đối với Chính quyền Tổng thống Syria Assad.

Thuận lợi và thách thức với Tổng thống Syria trong nhiệm kỳ mới - ảnh 2Nhiều người dân Syria tập trung tại Quảng trường Omayyad ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad tái đắc cử, Damascus, Syria, ngày 27/5/2021 - Ảnh: AP/Hassan Ammar

Tương tự, một cường quốc khác là Trung Quốc cũng tiếp tục khẳng định sự ủng hộ với Tổng thống Syria Bashar Assad. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh ngày 28/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: "Trung Quốc và Syria là những người bạn tốt truyền thống. Trung Quốc kiên quyết ủng hộ Syria trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này".

Thách thức

Theo các nhà phân tích, việc nhận được đồng thời sự ủng hộ của dân chúng trong nước cùng các đồng minh, đối tác quốc tế, là những nền tảng quan trọng để vị Tổng thống 55 tuổi của Syria thúc đẩy mục thực hiện tiêu tranh cử "Hy vọng thông qua công việc". Đó là thông qua công việc để từng bước xây dựng lại đất nước Syria vốn đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách sau nhiều năm chịu cảnh xung đột, trước mắt là cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, con đường đạt tới mục tiêu này còn dài và nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn và bao trùm nhất nhất vẫn là khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ và phục hồi, tái thiết đất nước sau chiến tranh. Hiện tại, các khu vực Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc Syria, vẫn đang do lực lượng đối lập và các nhóm thánh chiến chiếm giữ, khiến bất ổn an ninh tiếp diễn. Trong đó, Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF) người Kurd gồm hơn 100.000 chiến binh, hiện kiểm soát khoảng 25% lãnh thổ và 80% tài nguyên của Syria. Bên cạnh đó, ngoài các lực lượng của Nga giúp Chính phủ Syria trấn áp các nhóm khủng bố và cực đoạn, trên lãnh thổ Syria còn sự hiện diện của nhiều lực lượng nước ngoài khác như Thổ Nhỹ Kỳ với khoảng 12.000 quân ở Tây Bắc Syria và Mỹ với khoảng 900 binh sỹ. Các lực lượng này lại đang theo đuổi những mục tiêu và tham vọng khác biệt, thậm chí là đối nghịch nhau. 

Cục diện diện phức tạp này khiến nỗ lực thống nhất lãnh thổ của Chính phủ Syria gặp rất nhiều khó khăn, bởi nó đòi hỏi không chỉ những nguồn lực kinh tế khổng lồ, mà còn cần có sự đồng thuận của các lực lượng chính trị trong nước cũng như sự ủng hộ, hỗ trợ và hợp tác thiện chí của các lực lượng trong và ngoài khu vực.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu