Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan hành pháp nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với các cơ quan hành pháp là xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch.

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 đối với các cơ quan hành pháp là xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch. Việt Nam đã và đang nỗ lực vì mục tiêu này nhằm nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan hành pháp nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia - ảnh 1Ảnh minh họa: quochoi.vn

Sau hai năm vượt sóng gió do đại dịch Covid 19, đến giữa năm 2022, nhiều tổ chức quốc tế uy tín đã đánh giá cao kết quả đạt được và triển vọng phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: xếp hạng tín nhiệm quốc gia; đà phục hồi kinh tế, thể hiện góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế; Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP tăng 10,8% trong quý 3 và 3,9% trong quý 4, cả năm đạt 6,7%; Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay mức 6,6% trước đây… Những con số này phản ánh thành tựu và triển vọng phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của toàn dân, trong đó có sự điều hành, quản lý hiệu quả của Chính phủ trước những biến động khôn lường của thời cuộc.

Giáo sư Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định: “Đánh giá về điều hành của Chính phủ Việt Nam hiện nay cộng đồng quốc tế, các tổ chức đánh giá của quốc tế đều đánh giá cao Chính phủ. Nhìn tổng thể điều hành của Chính phủ là tốt và trong bối cảnh khó khăn, kể cả đại dịch Covid 19 như vậy thì tăng trưởng của chúng ta chưa bao giờ ở mức âm, thấp nhất là trên 2 %, Chính phủ điều hành rất năng động, nhanh nhạy và xử lý được những tình huống, năng động, linh hoạt sáng tạo”.

Vai trò điều hành, quản lý của Chính phủ là tiền đề vững chắc để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước theo những định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền. Trong đó yêu cầu đối với cơ quan thực hiện quyền hành pháp là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; tập trung xây dựng Chính phủ “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động”.

Giáo sư Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng: “Ý tưởng kiến tạo phát triển cũng là tư duy đột phá, khẳng định vai trò mới. Mà có thể làm được vai trò kiến tạo phát triển thì Nhà nước phải có năng lực thực sự, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách. Trong Nhà nước pháp quyền muốn Nhà nước làm được vai trò kiến tạo phát triển thì Nhà nước đó phải minh bạch và trách nhiệm giải trình rõ ràng".

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cũng là một trong những định hướng của Chính phủ trong nhiệm kỳ này để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: ” Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới; đồng thời tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo ở các cấp; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.”

Một trong những tiêu chí quan trọng của Nhà nước pháp quyền là đề cao vai trò công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động. Đây cũng là một đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân; là điều kiện để nhân dân có thể thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình với hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Giáo sư Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nói rõ hơn điều này: “Pháp luật chúng ta quy định để nhân dân nhận diện được trách nhiệm của từng người và có thể quy trách nhiệm được từng người. Trách nhiệm giải trình phải phá vỡ hai cơ chế lẫn lộn giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể. Mặc dù đang phát huy dân chủ và tập thể nhưng phải đề cao trách nhiệm cá nhân”.

Khi có một nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm, được người dân giám sát, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước thì hoạt động của bộ máy hành chính nói riêng, của Nhà nước nói chung càng hiệu quả.

Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp Luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nêu ý kiến: “Cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của nhân dân đủ mạnh. Trước mắt là phải xây dựng được Luật giám sát và phản biện xã hội của nhân dân để bao quát hết tất cả các chủ thể vừa là cá nhân công dân, các tổ chức của nhân dân tham gia và kiểm soát quyền lực Nhà nước, nhất là trong điều kiện hệ thống chính trị một đảng cầm quyền của nước ta thì cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước hết sức quan trọng".

Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam xác định một trong những giải pháp cơ bản để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ. Định hướng đó đang từng bước được hiện thực hoá để hoàn thiện bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia và địa phương, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu