Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, vững mạnh, phục vụ hiệu quả tiến trình phát triển đất nước

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Giai cấp công nhân, người lao động đã và đang tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước.    

Xác định rõ vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặc biệt chú trọng vấn đề xây dựng và phát triển giai cấp công nhân. Ngày nay, trong bối cảnh cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 cùng sự biến động phức tạp, khó lường của tình hình quốc tế, công tác xây dựng và phát triển giai cấp công nhân càng được Đảng và Nhà nước tập trung đẩy mạnh với nhiều đề án, kế hoạch và giải pháp triển khai rộng khắp, mang lại hiệu quả thực tế to lớn. Giai cấp công nhân, người lao động đã và đang tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước.    

Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, vững mạnh, phục vụ hiệu quả tiến trình phát triển đất nước - ảnh 1Giai cấp công nhân Việt Nam đi đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Bảo Đan

Song hành với tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng phát triển mạnh về cả về số lượng và chất lượng, ngày càng có vai trò to lớn hơn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh

Đến nay, tổng số công nhân, người lao động tại Việt Nam đạt khoảng gần 17 triệu người (so với khoảng 200.000 người thời điểm năm 1946), tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trình độ học vấn của công nhân, người lao động Việt Nam không ngừng được nâng cao, là lực lượng có khả năng sáng tạo trong sản xuất và đời sống xã hội, thích ứng nhanh với cơ chế mới và tiếp cận nhanh với khoa học tiên tiến, công nghệ hiện đại, có vai trò quan trọng quyết định tốc độ phát triển của nền kinh tế. Hầu hết công nhân, người lao động có phẩm chất chính trị và bản lĩnh vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước.

Đặc biệt, công nhân, người lao động luôn là lực lượng kiên quyết ủng hộ và đi tiên phong trong thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (từ năm 1986); là lực lượng nòng cốt trong khối liên minh công - nông và đội ngũ trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển – Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định: "Giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục là lực lượng xã hội đi tiên phong, là tiêu biểu nhất cho vận trình lịch sử của dân tộc Việt Nam tiến lên hiện đại hóa, làm chủ những công nghệ, khoa học tiên tiến nhất của thế giới để hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam".

Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, vững mạnh

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng CSVN (năm 2021) xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh; coi đây là nhân tố quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc. Kể từ đó, nhiều đề án, giải pháp về thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược này đã được các cấp, ngành, lĩnh vực và toàn xã hội tích cực triển khai. Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong tình hình mới” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, các nhà khoa học và hoạch định chính sách tiếp tục đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến phục vụ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần gắn chặt việc thực hiện chiến lược xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh với chiến lược phát triển kinh tế xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Thị Thạch, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nhấn mạnh:  “Phải nâng cao nhận thức kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong của mình là Đảng CSVN. Thực hiện chiến lược xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nếu như không gắn với phát triển kinh tế xã hội thì giai cấp công nhân không đủ những điều kiện để phát huy vai trò nòng cốt của mình”.

Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, vững mạnh, phục vụ hiệu quả tiến trình phát triển đất nước - ảnh 2

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển – Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Thành Long

Bên cạnh đó, cần tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người lao động, để công nhân, người lao động yên tâm đóng góp, toàn tâm toàn ý với sứ mệnh lịch sử của mình. Phó Giáo sư Dương Văn Sao, Trường Đại học Công đoàn, cho rằng: “Trong vấn đề xây dựng giai cấp công nhân, làm thế nào thông qua các chính sách tạo động lực cho tổ chức Công đoàn hoạt động hiệu quả như các chính sách việc làm, chính sách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội chính sách an sinh xã hội, chính sách phúc lợi xã hội và chính sách khuyến khích xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích của công nhân lao động…”.

Xây dựng giai cấp công nhân phát triển hiện đại, vững mạnh không chỉ là chính sách an sinh xã hội căn cốt, chiến lược, mà còn là sự đảm bảo nguồn lực và động lực quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ và cục diện địa chính trị toàn cầu biến đổi khó lường.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu