Xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) theo hướng toàn diện

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Việc sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng lần này của Đảng, Nhà nước Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong đấu tranh phòng ngừa, xử lý tham nhũng, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế xã hội. 

(VOV5) - Thực hiện Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, Thanh tra Chính phủ đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh các nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Việc sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng lần này của Đảng, Nhà nước Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong đấu tranh phòng ngừa, xử lý tham nhũng, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế xã hội. 

Xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) theo hướng toàn diện - ảnh 1
Ảnh minh họa: Hội nghị tập huấn đánh giá công tác phòng chống tham nhũng khu vực phía Nam (TTXVN)

Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2006, Luật phòng, chống tham nhũng đã tạo ra cơ chế phòng, ngừa, phát hiện tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội “nói không với tham nhũng”, “không thể tham nhũng”. Tuy nhiên, sau 10 năm thi hành, một số nội dung của Luật không còn phù hợp với yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong quá trình Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng được xác định là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng để phù hợp với bối cảnh đất nước hiện nay

Với quyết tâm tăng cường đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Việt Nam đã đẩy mạnh và quyết tâm tăng cường các biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, các chính sách nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng. Trong một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, giúp cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành xây dựng nội dung để trình Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trọng tâm sửa đổi lần này nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các thiết chế phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt là phải làm cho luật đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, cho rằng: “Trong luật phòng, chống tham nhũng, chúng ta làm được mốt số cái tốt, một số cái chưa tốt. Ví dụ cần có cơ quan đủ mạnh để xử lý những vấn đề tham nhũng lớn; phát huy vai trò của xã hội, người dân… để từ đó chúng ta sẽ đánh giá được Luật phòng, chống tham nhũng một cách thực chất nhất. Cần công khai minh bạch, bình đẳng khách quan khi đánh giá hiệu quả của Luật. Những hiện tượng không lành mạnh thì cần tiếp tục đấu tranh”.

Việc phòng, chống có hiệu quả nạn tham nhũng là vấn đề khó khăn, phức tạp; là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên trì, kiên quyết, liên tục, đúng pháp luật với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ông Đinh Văn Minh chỉ rõ: “Trước kia, pháp lệnh của chúng ta là chống tham nhũng, nhưng luật của chúng ta hiện nay là Luật phòng, chống tham nhũng, là rất đầy đủ toàn diện, đặc biệt là phương điện phòng ngừa tham nhũng, phù hợp với tinh thần của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng. Hiện nay có những vấn đề cấp bách, nhưng kể cả những nghị quyết của Đảng, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng chúng ta vẫn xác định phòng ngừa là biện pháp cơ bản và lâu dài”.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật phòng, chống tham nhũng theo hướng toàn diện

Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng rất được dư luận quan tâm, theo dõi. Kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy có đến trên 87% người dân cho rằng cần bổ sung các quy quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa. Luật cũng cần có cơ chế đảm bảo thi hành, giám sát, kiểm tra quá trình thi hành. Nhiều ý kiến cho rằng Luật cần xem xét và hoàn thiện, chú trọng đến các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Luật phòng, chống tham nhũng phát huy hiệu quả trong thực tiễn cũng như phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về phòng, chống tham nhũng.

Về phía những nhà làm Luật, các chuyên gia cho rằng một trong những nội dung cần tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng đó là hoàn thiện các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ, nêu ý kiến: “Trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật thông qua kết quả khảo sát, phần xử lý trách nhiệm người đứng đầu, xử lý về mặt hành chính và các hình thức xử lý khác ngoài hình sự sẽ phải quy định rất rõ. Trước đây xử lý vấn đề này chúng ta đều dẫn chiếu đến các văn bản khác. Cho nên, trong phần phòng ngừa sẽ quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Phần xử lý sẽ có những hình thức xử lý tương ứng khi không thực hiện các biện pháp đó. Có cả tình huống khi có xảy ra tham nhũng thì có xử lý trách nhiệm tương ứng”.

Thực tế cho thấy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành những bước đi vững chắc. Công cuộc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó việc hoàn thiện pháp luật là yếu tó trọng tậm và trước mắt. Chỉ có những qui định khoa học, chặt chẽ, đầy đủ và đơn giản dễ thực hiện thì mới có thể tạo ra được các cơ chế và biện pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu