Xây dựng Đảng – nhiệm vụ then chốt trong công cuộc đổi mới

Minh Châm
Chia sẻ
(VOV5)- Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
(VOV5)- Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Đáng chú ý  nội dung “Xây dựng Đảng” trong Dự thảo được bổ sung nhiều nội dung về nhiệm vụ, giải pháp xây dựng phát triển Đảng trong  đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Điều này cho thấy vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng có tầm quan trọng đặc biệt, là vấn đề then chốt trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Xây dựng Đảng – nhiệm vụ then chốt trong công cuộc đổi mới - ảnh 1
Một apphich cổ động trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng CSVN

Dự thảo báo cáo chính trị bắt đầu bằng nội dung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Dự thảo văn kiện cũng xác định: đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI.

 

Đổi mới công tác chính trị, tư tưởng

Về chính trị, Dự thảo Văn kiện bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp mới như kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên. Hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ các cấp. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng.         

Dự thảo văn kiện xác định phải đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, trong đó tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của công tác tư tưởng; nhấn mạnh "ngăn chặn, đẩy lùi" những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Theo ông Phan Văn Kính, người dân ở quận Cầu Giấy, Hà Nội,  Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII đã đề cập một cách rất toàn diện công tác xây dựng Đảng: “Lần này vấn đề xây dựng Đảng có ý nghĩa cực kì quan trọng. Vì đã đến lúc nếu không làm công tác này tốt thì sẽ quan hệ đến sự tồn vong của đất nước và xác định sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước. Tôi nghĩ đây là vấn đề rất quan trọng và khẩn cấp”

 

Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở đảng và chất lượng đảng viên        

Dự thảo đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu xây dựng Đảng: "Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức".Theo đó, xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

 

Dự thảo cũng xác định phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Cụ thể là đổi mới bầu cử trong Đảng, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ,... để lựa chọn những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Ông Lê Xuân Bích, cán bộ Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: “Trong Dự  thảo văn kiện của Đảng về công tác cán bộ, tôi thấy Đảng rất tiếp thu, kế thừa những tinh hoa, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ. Đảng đang chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, có tư tưởng đạo đức phục vụ nhân dân.”

 

Nếu như văn kiện Đại hội XI đề cập vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong phần về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì Dự thảo báo cáo lần này trình bày cả trong phần về xây dựng Đảng, trong đó nêu rõ xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ "lợi ích nhóm"; chống đặc quyền, đặc lợi; kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.

 

Về đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng, so với Đại hội XI, Dự thảo báo cáo chính trị quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.

 

Việc Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhấn mạnh “tăng cường công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh” ngay từ tiêu đề cho thấy yêu cầu lớn hơn và toàn diện hơn so với yêu cầu đặt ra tại Đại hội XI là “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Những yêu cầu này là định hướng quan trọng cho toàn Đảng trong những năm tới đồng thời cho thấy quyết tâm xây dựng Đảng cầm quyền vững mạnh về mọi mặt.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu