Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế

Lệ Hằng, Hữu Trãi
Chia sẻ
(VOV5) - Những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới, phát triển kinh tế được các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm. 

(VOV5) - Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII đang nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều người dân, đội ngũ trí thức và các nhà khoa học. Cùng với những nội dung quan trọng về chiến lược phát triển đất nước, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới, phát triển kinh tế được các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm. 

Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế - ảnh 1
Những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới, phát triển kinh tế được các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm (Ảnh minh họa)

Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII không chỉ đánh giá nhiệm kỳ Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII trong 5 năm 2011-2015 mà còn nhìn lại 30 năm đổi mới, phát triển kinh tế của đất nước. Chủ đề của Dự thảo Văn kiện là “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” được dư luận đánh giá cao.


Đổi mới mô hình, thể chế kinh tế
Cùng với việc đánh giá những thành tựu cũng như nêu những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế kinh tế, xã hội của Việt Nam trong 5 năm qua, Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII nêu rõ các giải pháp phát triển về  kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là xác định việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Đây là nội dung quan trọng của bản Dự thảo. Về điều này, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Hành chính khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết trong những năm vừa qua, Việt Nam áp dụng mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào vốn, dựa vào việc khai thác tài nguyên và sức lao động phổ thông giá rẻ. Mô hình tăng trưởng này đã tới giới hạn, làm mất đi động lực của sự tăng trưởng.Vì thế việc xác định, đặt vấn đề và đưa ra giải pháp xác định đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế như trong Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản lần thứ XII là hoàn toàn đúng đắn. 


Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng: "
Mô  hình tăng trưởng sắp tới là mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Tôi cho đó là cách đặt vấn đề hoàn toàn đúng trong giai đoạn này và sắp tới. Mô hình tăng trưởng theo chiều sâu phải hướng vào lao động được đào tạo, kỹ năng  và công nghiệp chế tạo phải chiếm tỷ trọng lớn trong sự phát triển của đất nước. Việc thứ hai tôi rất tâm đắc  là việc đặt vấn đề xây  dựng và phát triển thể  chế  kinh tế thị trường định hướng  xã hội chủ nghĩa. Thể chế  kinh tế này nếu chúng ta xây dựng đúng, phát huy đầy đủ thì nó trở thành động lực của sự tăng trưởng".


Tiến sỹ Nguyễn Quốc Dũng cũng đánh giá cao việc Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII đặt vấn đề về việc tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế tham gia hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ông, điều này sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước.


Các giải pháp tạo bước đột phá
Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII đã có những nhìn nhận chi tiết nhưng bao quát về tình hình kinh tế Việt Nam trong 5 năm 2011-2015.Trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dù không đạt chỉ tiêu nhưng có bước cải thiện đáng kể qua các năm. Một thành công đáng kể là nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã đi vào ổn định hơn so với những năm trước. Việc chỉ ra các mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó tăng trưởng GDP ở mức 6,5%- 7%, chỉ tiêu bội chi ngân sách 4% là các chỉ tiêu phù hợp với tình hình thực tại của kinh tế Việt Nam và kinh tế thế giới. 


Về các giải pháp để tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế của Việt Nam 5 năm tới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần  Hoàng  Ngân, Hiệu trưởng  Trường  Đại học Tài chính –Marketing thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến:
 "Trong dự thảo văn kiện đã đưa ra 6 mục tiêu trọng tâm, trong đó nhiệm vụ thứ 3 là tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động. Tôi lưu tâm vấn đề này trong văn kiện, thay vì chúng trước đây hướng về xuất khẩu, ngoại lực bên ngoài nhiều hơn thì bây giờ chúng ta có một sự dung chú ý dung hòa giữa việc ưu tiên cho thị trường xuất khẩu với thị trường nội địa việc huy động nguồn lực bên ngoài. Chúng ta chú trọng thị trường nội địa nhiều hơn. Chúng ta cẩn thận hơn trong việc tập trung quá nhiều thị trường xuất khẩu. Chúng ta có sự chuyển dịch cho thị trường nội địa, giảm độ mở cho nền kinh tế".


Các ý kiến góp ý cũng đánh giá cao Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII đặt vấn đề về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, có cơ chế đặc thù để phát triển khoa học công nghệ và triển khai những dự án khoa học công nghệ quan trọng để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu