Cuối tuần qua, bầu không khí yên bình ngắn ngủi hiếm hoi có được tại Trung Đông sau một loạt thỏa thuận hòa bình ký kết mới đây giữa Israel và các nước A rập, đã bị phá vỡ, khi nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị sát hại trong một cuộc phục kích ở miền Đông Iran hôm 27/11. Vụ việc khiến dư luận và giới phân tích lo ngại có thể dẫn đến những bất ổn và căng thẳng nghiêm trọng mới tại khu vực.
Ngày 27/11, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát trong một vụ tấn công bằng bom xe và xả súng ở thành phố Absard, khu vực Damavand, miền Đông Iran - Ảnh: Times Of Israel
|
Trước khi bị sát hại, nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh hiếm khi xuất hiện công khai trên truyền thông Iran cũng như thế giới. Thế nhưng, đây lại được xem là nhân vật quan trọng hàng đầu trong chương trình phát triển hạt nhân của Iran.
Nhân vật đặc biệt
Theo nhiều nguồn tin phương Tây, ông Mohsen Fakhrizadeh chính là nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, được ví như “bộ não” chỉ huy chương trình phát triển hạt nhân của Iran trong nhiều năm qua. Nhà khoa học này được cả Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và tình báo phương Tây đánh giá là người đứng đầu chương trình hạt nhân bí mật của Iran trước khi chương trình này bị đình lại năm 2003. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhắc đến nhân vật này với sự lưu ý đặc biệt trong một bài thuyết trình về chương trình phát triển hạt nhân của Iran năm 2018. Thậm chí, chuyên gia Holly Dagres tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) đã gọi ông Mohsen Fakhrizadeh là Roboert Oppenheimer của Iran, ý chỉ vai trò quan trọng của nhà khoa học vừa bị sát hại sánh ngang với nhà khoa học đã phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới cho nước Mỹ.
Fakhrizadeh là người dẫn đầu một nhóm phát triển một trong những bộ kit xét nghiệm COVID-19 đầu tiên cho Iran - Ảnh: Mercopress
|
Theo truyền thông quốc tế, ông Fakhrizadeh đã tham gia Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 và gia nhập lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. Ông có bằng tiến sỹ về kỹ thuật hạt nhân và từng giảng dạy tại Đại học Imam Husein. Nhân vật này là một trong số 8 công dân Iran bị hạn chế đi lại quốc tế và hạn chế giao dịch tài chính theo một nghị quyết năm 2007 của Liên hợp quốc với cáo buộc liên quan đến các nghiên cứu về hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo.
Vị thế và tầm quan trọng đặc biệt của nhà khoa học này giải thích vì sao chính quyền Iran lại phản ứng giận dữ đến vậy, trong khi cộng đồng thế giới không khỏi lo lắng về những hệ lụy nguy hiểm có thể nảy sinh.
Trung Đông thêm nóng
Nhiều nhà phân tích nhận định, vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh có tác động lớn đến tình hình nội bộ Iran, tương tự như vụ không quân Mỹ sát hại tướng Qassem Soleiman, Tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran tại Iraq hồi đầu năm nay. Đáp trả việc Tướng Qassem Soleiman bị sát hại, Iran đã tập kích một số căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Iraq, nhưng không gây thương vong. Vì thế, nếu xác định được thủ phạm thực hiện vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, Iran buộc phải tiến hành đáp trả, dù chỉ mang tính tượng trưng. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Israel đang bị Iran nghi ngờ là thủ phạm. Từ nhiều năm qua, Iran từng nhiều lần tuyên bố muốn xóa xổ Issrael, trong khi Nhà nước Do thái cũng luôn phản ứng cứng rắn nhằm vào Iran.
Đội vệ binh danh dự và tướng lĩnh quân đội Iran tiễn đưa linh cữu của nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh ngày 30/11 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Iran
|
Thực tế, ngay sau vụ ám sát, hôm 28/11, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei ra tuyên bố khẳng định Iran sẽ đáp trả vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh. Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cáo buộc Israel thực hiện vụ sát hại ông Fakhrizadeh, đồng thời cam kết sẽ đáp trả vụ việc "vào thời điểm thích hợp". Mới nhất, trong lễ tang ông Mohsen Fakhrizadeh ngày 30/11, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami xác nhận Iran đang chuẩn bị đáp trả mạnh tay trước vụ ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh.
Trước thực tế này, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên kiềm chế hành động. Ngày 29/11, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Jordan và Nga kêu gọi tất cả các bên kiềm chế nhằm tránh đẩy khu vực Trung Đông rơi vào bất ổn. Trước đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế, tránh mọi hành động có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Đức cũng lên tiếng hối thúc tất cả các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng có thể ảnh hưởng tới đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đưa những kẻ liên quan đến vụ tấn công ra trước công lý, đồng thời kêu gọi tất cả các bên hành động với sự kiềm chế tối đa.
Về phần mình, Cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cảnh báo vụ ám sát có nguy cơ kích động xung đột tại Trung Đông, trong khi Nghị sỹ Dân chủ Chris Murphy, thành viên Tiểu ban Trung Đông của Thượng viện Mỹ khẳng định rằng vụ ám sát nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh của Iran “không khiến nước Mỹ, Israel hay thế giới an toàn hơn”.