Vượt qua sức nóng của cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra cùng một loạt vấn đề quốc tế nổi bật khác như Nhật Bản có Thủ tướng mới hay hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc – EU không đạt được kết quả kỳ vọng, sự kiện Nhà nước Do thái Israel và hai quốc gia A rập là Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE) và Bahrain ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ tại thủ đô Washington của Mỹ ngày 15/9, đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế những ngày này. Lý do là bởi nó đánh dấu sự thay đổi đáng kể cục diện địa chính trị tại Trung Đông, một trong những điểm nóng của thế giới trong nhiều thập niên qua.
Ngoại trưởng Bahrain, Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng UAE (từ trái sang) trong lễ ký Hiệp định Abraham tại Nhà Trắng, ngày 15-9. - Ảnh: AP |
Trong buổi lễ có khoảng 200 quan khách tham dự dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cùng lúc ký hai thỏa thuận bình thường hóa quan hệ riêng rẽ với hai Ngoại trưởng hai nước A rập là Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif Bin Rashid Al Zayani và Ngoại trưởng UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed Al Nahyan. Với sự kiện này, UAE và Bahrain trở thành quốc gia A rập thứ ba và thứ tư ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, sau Ai Cập (năm 1979) và Jordan (Năm 1994). Phát biểu tại lễ ký, Tổng thống Trump ca ngợi đây là bước tiến lớn hướng tới một tương lai mà ở đó mọi người dân thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc sẽ cùng chung sống hòa bình và thịnh vượng. Người đứng đầu nước Mỹ cho rằng sự kiện này sẽ làm thay đổi tiến trình lịch sử, đánh dấu một bình minh mới của một Trung Đông mới sau nhiều thập niên chia rẽ và xung đột. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ khẳng định, sau UAE và Bahrain, sẽ có thêm 7-9 quốc gia A rập nữa sẵn sàng đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel.
Thắng lợi của nhiều bên
Theo nhận định của giới chuyên gia, trung gian thành công thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các quốc gia A rập là một chiến thắng ngoại giao quan trọng của ông Trump với tư cách là người kiến tạo hòa bình khi mà chỉ còn chưa đầy 50 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy sức ảnh hưởng và khả năng tập hợp lực lượng của Mỹ tại khu vực vẫn còn rất lớn, đồng thời có tác dụng trấn an và khẳng định cam kết của Washington với các lợi ích của các đồng minh trong khhu vực.
Với Israel, việc tiến tới các thỏa thuận với các cựu thù A rập có nghĩa rằng Nhà nước Do Thái ngày càng khẳng định vị thế và phá vỡ thế bị cô lập tại khu vực, đồng thời có thêm lực lượng, hay chí ít là không có thêm kẻ thù trong cuộc đối đầu với Iran, quốc gia Hồi giáo từng nhiều lần tuyên bố “không đội trời chung” và muốn xóa sổ Israel.
Tương tự, với UAE, quốc gia giàu tiềm lực và tham vọng tại khu vực, việc ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel không chỉ để khẳng định quan hệ tốt đẹp với Mỹ, mà còn phục vụ nhiều lợi ích to lớn khác về an ninh, kinh tế, chính trị, ngoại giao…
Trước và sau khi các thỏa thuận hòa bình được ký kết, nhiều quốc gia khu vực đã lên tiếng hoan nghênh và bày tỏ sự ủng hộ, cho thấy mong muốn hợp tác và xu thế hòa giải đang được chú trọng tại Trung Đông.
Cục diện khó đoán định
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Trung Đông có thể có được hòa bình và ổn định trong một sớm một chiều. Bối cảnh lịch sử cực kỳ phức tạp cùng những lợi ích đan xen và ràng buộc lẫn nhau giữa rất nhiều thực thể khu vực và quốc tế, là bài toán hóc búa mà cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể hóa giải từ nhiều thập niên qua.
Những người Palestine phản đối và chỉ trích thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Irael với UEA và Bahrain. - Ảnh: AP |
Và thực tế, việc đạt được thỏa thuận giữa Israel với các quốc gia A rập không phải là sự mong đợi của tất cả các quốc gia khu vực. Những ngày qua, chính quyền Palestine, một bên trong tiến trình hòa bình Trung Đông, đã liên tiếp lên tiếng phản đối thỏa thuận, coi đó là sự phản bội lại sự nghiệp của người Palestine. Trong khi đó, quốc gia Hồi giáo Iran và Thổ Nhỹ Kỳ cũng chỉ trích gay gắt thỏa thuận, cảnh báo những hệ lụy nguy hiểm mà nó có thể mang lại cho hòa bình khu vực. Đặc việt Iran, giới phân tích nhận định quốc gia này sẽ ra sức tập hợp lực lượng trong thời gian tới để chống lại các sức ép và sự cô lập từ Mỹ, Israel và các đồng mình khu vực, đẩy cuộc đối đầu tại Trung Đông lên cao.
Cho đến nay, Saudi Arabia vẫn giữ quan điểm nhất quán là ủng hộ người Palestine cũng như các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp công bằng và toàn diện cho vấn đề Palestine. Chính phủ Saudi Arabia khẳng định tiếp tục sát cánh với người dân Palestine và ủng hộ mọi nỗ lực hướng tới giải pháp công bằng và toàn diện đối với vấn đề Palestine, theo đó người Palestine được xây dựng một nhà nước độc lập với đường biên giới năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô, phù hợp với các nghị quyết hợp pháp quốc tế và Sáng kiến Hòa bình A rập.
Với thực tế này, giới quan sát cho rằng, cục diện địa chính trị tại Trung Đông thời gian tới, sẽ còn nhiều biến động với những ẩn số khó đoán định.