Việt Nam ưu tiên nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Những chính sách, ưu đãi, dự án phát triển khoa học công nghệ mang tính chiến lược thời gian qua đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam  đối với lĩnh vực này.

(VOV5) - Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, trình độ phát triển kỹ thuật, khoa học công nghệ là một trong những thước đo để đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Những chính sách, ưu đãi, dự án phát triển khoa học công nghệ mang tính chiến lược, có tầm nhìn tương lai của Việt Nam thời gian qua đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam  đối với lĩnh vực này.

Việt Nam ưu tiên nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ - ảnh 1
Ảnh:dantri.com.vn


Tại Việt Nam, chỉ trong năm 2013 đã có gần 3 nghìn công trình khoa học có chất lượng được cơ quan chuyên môn công nhận. Đáng chú ý là việc làm chủ vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSAT-1; chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon hoạt động trong không gian và gửi thành công tín hiệu về mặt đất… Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam (ODA), hiện nay Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang xây dựng Trung tâm Vệ tinh Quốc gia hướng tới mục tiêu đến năm 2018 sẽ phóng vệ tinh chế tạo tại Nhật Bản và đến năm 2020 sẽ phóng vệ tinh chế tạo tại Việt Nam. Đây là các công trình góp phần không nhỏ vào sự phát triển của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

 

Phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu
Cách đây không lâu, tại lễ công bố Ngày Khoa học - Công nghệ Việt Nam (18/05), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, quốc gia nào có chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học và công nghệ cao thì sẽ có nhiều cơ hội để phát triển nhanh và bền vững. Do đó, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ quan trọng cần được tập trung ưu tiên, huy động mọi nguồn lực để góp phần tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển khoa học và công nghệ đã nhấn mạnh phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Khoa học và công nghệ là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp.

 

Từ đòi hỏi thực tiễn, Chính phủ cũng có nghị định về đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2014. Trong đó có những ưu đãi tối đa đối với các cá nhân là sinh viên, giảng viên là nhà khoa học trẻ tại các trường Các đối tượng này sẽ được ưu tiên tuyển chọn đi học nâng cao trình độ ở trong nước, ngoài nước; được tạo điều kiện tham gia nghiên cứu khoa học để phát huy, phát triển định hướng chuyên môn nghiên cứu.

 

Việt Nam tập trung ưu tiên đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ
Cùng với những chỉ đạo, chính sách quyết liệt của Chính phủ trong ưu tiên phát triển khoa học - công nghệ, lần đầu tiên, Bộ Khoa học Công nghệ phát động phong trào đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Một quỹ hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo dành cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp cũng được triển khai với quy mô lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, việc Bộ Khoa học Công nghệ phát động phong trào đổi mới sáng tạo hướng vào tầng lớp doanh nhân được coi là một nhân tố mới, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện phát triển bền vững. Bộ Khoa học Công nghệ cũng có các kế hoạch, dự án để phát triển tối đa tiềm năng khoa học công nghệ của quốc gia. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết:Thứ nhất, chúng tôi tập trung đầu tư và kêu gọi nguồn ODA của nước ngoài để xây dựng các viện nghiên cứu có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại tương đương với những viện nghiên cứu của nước ngoài. Thứ 2, chúng tôi áp dụng những cơ chế quản lý tiên tiến. Thứ 3, chúng tôi sẽ đặt hàng các viện nghiên cứu này và kêu gọi doanh nghiệp đặt hàng các viện nghiên cứu, biến nó trở thành những viện nghiên cứu theo đặt hàng của doanh nghiệp để có thể có được nguồn thu rất lớn từ xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu.

 

Phát huy tiềm năng nhân lực phục vụ khoa học công nghệ
Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ cũng được xem là một nhiệm vụ quan trọng trong các chính sách ưu tiên của chính phủ Việt Nam. Cùng với việc hoàn thiện chính sách hỗ trợ, nhiều dự án góp phần thu hút nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trở về nước đã và đang được thực hiện. Trong đó, dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) có tổng mức đầu tư là 110 triệu USD là một ví dụ điển hình. Với khoảng 6 triệu USD cho việc xây dựng và thí điểm chính sách thu hút các chuyên gia giỏi nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, dự án sẽ tạo động lực kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khuyến khích, ưu tiên các cá nhân cùng tham gia góp phần đưa khoa học công nghệ phát triển. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi người dân kể cả không có bằng cấp nếu đam mê, sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ lợi ích cho gia đình mình và làng xóm và xã hội. Trong nhiều năm qua có nhiều sáng chế của người dân được Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ thông qua các hội chợ công nghệ thiết bị, và nhiều người dân trở thành chủ doanh nghiệp kinh doanh những sáng chế của mình.

 

Nền khoa học và công nghệ Việt Nam phát triển và đang có sự đổi mới, khắc phục những hạn chế, yếu kém, để phù hợp với sự phát triển chung của thế giới, tương xứng với tiềm nǎng sẵn có. Cùng với những chính sách tập trung phát triển khoa học công nghệ, sự quyết tâm của các cơ quan, Bộ ngành được kỳ vọng đạt mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 theo nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam  đã đề ra./.

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu